Trong tim ta an bình ngự trị. Nhưng những bông hoa, ôi những bông hoa!
Khi vẫn còn là trẻ con, tôi nhớ một chân đồi, nơi có thể bước vào một
thung lũng lạnh, tôi ngồi trên bức tường cạnh một ngôi nhà đổ nát, trước mắt
là những bông cúc tím dại mọc trong bóng râm. Cùng lũ bạn thơ ấu xưa,
chúng tôi từng bảo nhau cúc tím dại là lính Hungary, còn hoa bồ công anh là
quân địch.
Chúng tôi vặt trụi hoa bồ công anh ở những nơi đến, nhưng không bao giờ
làm gì với hoa cúc tím dại. Giờ đây, khi ngồi trên bức tường này tôi nghĩ,
biết bao lính vệ quốc, cả một tiểu đoàn, đóng trại hoặc chuẩn bị tấn công, đã
bỏ qua những trận đánh với hoa bồ công anh. Tôi mừng cho họ và mong họ
chiến thắng.
Rồi lúc mười tám tuổi thì phải, có một sự kiện đặc biệt làm tôi nhớ đến.
Tại sao con người lại ngắt hoa và lấy hoa để trang trí cho họ? Sự bắt buộc bí
ẩn nào xảy ra khi vào tháng Ba chúng ta đi dọc suối để ngắt hoa tuyết, còn
tháng Năm vào rừng hái hoa chuông, và tháng Sáu đi hái những bông hoa
thuốc phiện dại và hoa lúa mì giữa những luống đất cày?
Tại sao lũ con gái vui sướng khi được tặng hoa? Tại sao có những bình
hoa trong phòng, cắm đầy mai trắng mùa xuân và cúc vàng mùa thu? Tôi chỉ
nghĩ đến thế lúc ấy. Và tôi quyết định sẽ nghĩ về điều này, sẽ chỉ yên lòng
nếu tìm ra bí ẩn của nó. Tôi sẽ viết về tâm lí học của việc ngắt hoa.
Tất nhiên lúc đó tôi chả biết mảy may gì về tâm lí học. Tôi chỉ hiểu, linh
hồn đi ngắt hoa. Tại sao? Tận hôm nay tôi cũng không biết. Chắc có một cái
gì họ hàng giữa chúng.
Một người nào đấy càng có vẻ linh hồn, càng là hoa. Đàn bà. Đặc biệt là
bọn con gái. Thiếu nữ. Trẻ em. Đặc biệt là trẻ sơ sinh. Những cái tên con
gái: Iboly (Hoa Tím), Rozsa (Hoa Hồng), và tên đàn ông nữa: Nárcisz (Tóc
Tiên).
Từ bấy đến nay đã hai mươi lăm năm trôi qua, nếu nhớ lại ước nguyện
thuở ngồi trên bức tường, tôi lại cảm thấy mình cần phải trả món nợ này.
Việc đầu tiền cần nói đến là tên của hoa. Tên của hoa là những từ đẹp
nhất. Trong tiếng Hungary, cũng như trong tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc