XÃ HỘI HỌC CỦA SỰ CÔ ĐƠN
(Trích tác phẩm: 33 tiểu luận triết học)
1.
Cách diễn đạt "Xã hội học của sự cô đơn" mang tính mâu thuẫn logic, bởi
vì ở đâu có cộng đồng, không thể nói đến cô đơn, và nơi có sự cô đơn,
không thể nói về cộng đồng. Nhưng trong thực tế, con người phải trải qua
trạng thái mâu thuẫn này.
Byron từng cho rằng, giữa thiên nhiên, trong rừng cây, trên cánh đồng cỏ,
bên cạnh hồ, ông không bao giờ cảm thấy cô đơn, chỉ trong thành phố, giữa
những con người. Ý tưởng này dẫn đến một điều, như một thực thể sống, chỉ
con người nhận biết sự cô đơn, và chỉ giữa cộng đồng mà thôi.
Không cần giải thích, con người của các đô thị lớn tự nhận ra trạng thái
bối rối và ê chề này, trạng thái bị đánh mất: nó biết nó đang sống trong mâu
thuẫn, bởi cảm giác cộng đồng mâu thuẫn với sự cô đơn, và sự cô đơn mâu
thuẫn với cảm giác cộng đồng. Con người mâu thuẫn với chính bản thân nó.
Và dấu hiệu của trạng thái bị đánh mất: con người nằm giữa hai cái, không ở
trong cái nào, chống lại cả hai và đứng ngoài cả hai.
Xã hội, sự lẩn tránh xã hội, sự chống lại xã hội; tình trạng xã hội xảy ra
bên ngoài xã hội. Con người còn lại một mình ở nơi các mối quan hệ người
mở ra các khả năng vô tận; sự tiếp xúc bị đứt đoạn ở nơi mọi thứ đều nhằm
để xây dựng sự tiếp xúc. Đấy là trạng thái rơi ra khỏi cộng đồng: sự CÔ
ĐƠN.
Cô đơn không phải là kinh nghiệm tâm lí một mình, bởi vì không có kinh
nghiệm tâm lí một mình. Một cái gì đấy cần thức tỉnh, để thức tỉnh và mang
đến hiệu quả; đến từ đâu đấy và chỉ ra một hướng nào đấy. Các kinh nghiệm
chỉ có thể hiểu và nhìn rõ từ những tương quan cuộc sống hiện thực. Bởi vậy
giải thích bằng tâm lí luôn luôn khiếm khuyết. Nhất là khi sự cô đơn xuất
hiện ngày càng ở mức độ cao hơn, bởi cô đơn không là một trạng thái chủ
quan nữa, mà là một hoàn cảnh khách quan. Bằng việc từ bỏ kinh nghiệm,