Tất cả những gì còn lại của họ đang được bán ở đây, với giá 50 xu. Họ có
lẽ không bao giờ hình dung những tấm thiệp riêng tư lại ra chợ, xếp lẫn
trong những bưu thiếp của hàng ngàn người khác. Ngồi đọc những tấm
thiệp này giống như được mở những cánh cửa bí mật vào cuộc đời của
những người xa lạ trong quá khứ và quan sát những chuyện đời vô danh đã
trôi qua không ai ghi chép, kể lại.
Tôi may mắn làm sao khi còn đang sống đây, còn đang hít thở và đi lại.
Càng may mắn hơn nữa vì tôi đang ở Paris vào một ngày như hôm nay; trời
đã hửng nắng sau nhiều ngày mưa rả rích.
Đã trưa rồi và chợ ngày càng đông người tới mua sắm, trong đó có rất
nhiều du khách Mỹ, người nào cũng hớn hở túi lớn, túi nhỏ. Chính tôi, mặc
dù đã huy dộng tất cả ý chí và lý do, vẫn cứ mua ba cái áo thun mỏng cao
cổ, hai cái mũ nồi (cùng với một bài học về cách đội mũ kiểu Paris từ người
bán hàng Ấn Độ), một cái áo khoác mùa thu màu đen. Tất cả đều là đồ rẻ
tiền nhưng lại rất đẹp. Ba cái áo có cổ đề giá 5 euro một cái nhưng tôi mua
cả ba với giá 10 euro; cái áo khoác chỉ 23 euro. Tôi phải cố gắng lắm mới
cưỡng lại được ham muốn mua giày cao gót và bốt vì chúng đẹp mà rẻ, một
đôi bốt chỉ chừng 20 euro. Quả thực, ngay cả những đồ gia công bán ở chợ
trời Paris cũng rất đẹp. Điều này thì Mỹ không bằng.
Rời khỏi khu chợ trời, tôi lên tàu số 4 rồi lên xuống bến Chateau Rouge
của khu Montmartre. Lên khỏi bến, từ đầu tiên nảy lên trong óc tôi là “đen”.
Người da đen ở khắp nơi; nhưng không phải kiểu người da đen đã bị Mỹ
hóa qua hàng trăm năm như tôi thấy ở Chicago. Đây là những người da đen
vẫn còn gần với châu Phi, có lẽ mới nhập cư từ các thuộc địa cũ của pháp.
Cả phố dài dẫn từ bến tàu lên đến đỉnh đồi Montmartre san sát các hiệu làm
đầu cho người da đen và của người da đen. Những bộ tóc giả đủ màu sắc
trưng dọc các cửa kính đều là tóc của người da đen. Ở cuối một con đường
hẹp, tôi leo mấy trăm bậc thang dọc theo Rue Foyatier để lên đỉnh đồi, chỗ
có Sacré-Coeur Basilica.