nhà dưới chân môt ngọn núi lửa đang âm ỉ cháy; tôi không bao giờ biết
trước lúc nào thì núi lửa phun trào; chỉ biết mỗi lần phun trào thì tất cả mọi
thứ quanh chân núi đều bị hủy diệt. Tôi đã cuống cuồng vơ vét chạy di tản
quá nhiều lần, và đến giờ thì bắt đầu hỏi tại sao mình vẫn cứ hy vọng có thể
xây dựng một ngôi nhà yên ổn dưới chân ngọn núi này?
Nhưng tôi sẽ không nghĩ đến những việc này vội. Bây giờ, tôi sẽ cố ngủ
để giữ sức cho những ngày ở Châu Âu. Phải rồi, tôi đang ở châu Âu. Tôi đã
mong chờ chuyến đi này biết bao.
Rome, ngày…
Sáng nay, tôi rời Berlin trong mưa. Trời lạnh, nhiều gió. Sau hai tiếng,
Rome đón tôi bằng bản nhạc Clair de Lune của Debussy đột ngột được mở
trong khoang máy bay của hang hàng không giá rẻ Easyjet. Ra khỏi cửa
máy bay là nắng ấm và trời xanh Địa Trung Hải. Tôi đã tới Rome rồi.
Từ sân bay Ciampino phải bắt xe buýt vào nhà ga trung tâm của Rome:
Roma Termini. Bên ngoài sân bay, cảnh tượng nhốn nháo khác hẳn với Đức
và cũng bẩn hơn Đức rất nhiều. Ba lần liền, những chiếc xe con sà vào gần
chỗ tôi đứng và những đại gia đình bảy, tám người huyên náo chui vào
những chiếc Fiat năm chỗ, chưa kể hành lý được chất đầy trong cốp xe hoặc
chằng trên nóc xe. Trên xe buýt chạy vào thành phố, radio được mở to cho
cả xe nghe. Không biết tiếng Ý thì tôi cũng hiểu là đang có một trận bóng
đá. Chà, bình luận viên trên radio… nói thế nào nhỉ… à, “nói văng nước
miếng” trong khi người tài xế và một số hành khách ngồi gần đó vừa nghe
vừa mắng nhiếc, la ó các cầu thủ một cách đầy kích động khiến cho tôi vừa
thót tim sợ rằng bác tài xế sẽ tông xe vào lề đường vừa không nhịn được
cười khi nghe tiếng gào thét huyên náo và những âm rung r… r… đặc trưng
của tiếng Ý. Ngoài đường, hầu như xe ô tô nào cũng để ngỏ kính cửa, từ đó
vọng ra tiếng radio tường thuật bóng đá - và lái xe taxi có một vẻ mặt hầm
hầm như thể khách đi xe là kẻ thù khiến họ bỏ lỡ cơ hội xem trận bóng.