được đối xử trên tinh thần như thế; và chúng cư xử lại cũng với tinh thần
như thế. Không có sự bao bọc, nuông chiều, cung phụng, hoặc hách dịch
với trẻ em.
Chúng tôi theo Nam vào lớp. Trong lớp, cô chủ nhiệm nói thêm vài lời
chúc và dặn dò; rồi các em được về - để các gia đình có thể tổ chức tiệc
nhập học ở nhà. Buổi lễ rất đơn gỉan nhưng sang trọng. Sau lễ, chúng tôi đi
tới một nhà hàng để ăn trưa, rồi lên tàu đi ra một hòn đảo cách đó ba mươi
phút. Ở đó có bãi biển và bọn trẻ con được xuống tắm. Hầu hết các bố mẹ
ngồi hoặc sưởi nắng ở bên trên, mặc bọn trẻ muốn làm gì thì làm. Có những
đứa bé chỉ lẫm chẫm đi, hoặc còn đang bò nhưng bố mẹ chúng mặc kệ cho
chúng bò xuống mép nước hoặc nghịch cát. Họ chỉ im lặng quan sát và theo
dõi từ xa chứ không kè kè bên cạnh, cũng không ngăn cản, đe dọa, khuyên
bảo, dỗ dành. Tôi quan sát một em bé còn đeo tã lẫm chẫm đi ra mép nước,
ngồi xuống sờ tay vào nước và hét lên thích thú, rồi bị một cơn sóng đánh
ngã ra nhưng bố mẹ em chỉ chăm chú theo dõi mà không chạy tới giúp. Em
bé lồm cồm bò dậy, tự động lùi lại rồi tiếp tục sục tay xuống nước để vầy. Ở
ngoài xa hơn một chút, những đứa bé ba, bốn tuổi; và xa hơn là bọn trẻ
mười – mười lăm tuổi túm tụm chơi đùa. Chúng có thể cãi nhau và đánh
nhau, và phải tự giải quyết lấy; người lớn sẽ không can thiệp ngay cả khi trẻ
con quay về “mách”.
“Việc của con, con tự giải quyết” tôi nghe thấy một ông bố nói với đứa
con khoảng sáu tuổi của mình; trong lúc đó, người mẹ nằm sưởi nắng đọc
sách.
Tôi nằm trên cát, cạnh những bụi sậy úa vàng dưới nắng hè xem bọn trẻ
đùa trên bãi biển và kinh ngạc vì cái cách mà người Đức dạy con. Họ kỷ
luật và lý tính còn hơn người Mỹ. Được nuôi lớn lên trong sự bình tĩnh và
kỷ luật tự nhiên như thế này, hy vọng những đứa trẻ sẽ có cơ hội giữ được
bình tĩnh và kỷ luật trước những biến động và cám dỗ của cuộc sống người
lớn sau này.