cho năm trăm con người trong trại. Nhưng nếu để lại, thì chưa đầy một giờ
đồng hồ kiểm tra con số, kẻ nào chạy về chỗ trước, kẻ ấy sẽ nẫng cái bao
ngay. (Ở trại Ust-Izma còn tệ hại hơn. Bọn lưu manh bao
giờ cũng đi làm về trước và khi anh em mò được tới phòng thì đồ đạc
đã bị chúng dọn sạch sẽ rồi). Sukhov nhìn thấy Sezar lúng ta lúng túng với
các gói thức ăn, song đã muộn mất rồi. Hắn đang nhét giò và mỡ muối vào
trong áo, cố cứu vãn được cái gì hay cái ấy.
Sukhov thấy thương hại, bèn bày cách cho hắn:
- Cứ ngồi tại chỗ, Sezar Markovich, chờ cho tới người cuối cùng, ngồi
vào chỗ tối ấy và chờ cho người sau cùng đi ra. Khi bọn giám thị sục sạo
các giường thì hãy đi ra. Nếu chúng nhìn thấy, nhớ bảo là bị ốm. Còn tôi sẽ
chạy ra trước tiên và quay trở vào trước tiên. Cứ thế...
Nói rồi anh co cẳng chạy ra ngoài.
Thoạt đầu Sukhov phải khó nhọc lắm mới chen qua được đám đông
(tay lại còn phải giữ cho điếu thuốc không bị bẹp). Trong hành lang chung
cho cả hai khối của trại xá và trước cửa ra vào, không ai muốn là người đầu
tiên bước ra cả, một lũ ma lanh, mà cứ bám riết lấy hai bên tường, chỉ chừa
lại một lối nhỏ vừa một người đi: muốn thì cứ việc ra ngoài trời lạnh, các
bố cứ đứng ở đây cho ấm cái đã. Cả ngày phơi mặt ra băng giá, bây giờ lại
đứng thêm mười phút nữa cho chết rét chắc? Chả dại. Thằng nào muốn
chết, cho chết. Cánh tớ chờ thêm ít lâu nữa!
Giá phải lần khác thì Sukhov cũng cố bám lấy tường đấy, nhưng lần
này anh vọt ngay ra ngoài cửa, lại còn réo lên ầm ĩ:
- Sợ gì chứ lũ ngốc? Chả lẽ chưa thấy cái lạnh Siberi bao giờ chắc. Ra
ngoài này mà sưởi mặt trời của sói! Ông anh, cho xin tí lửa!
Anh châm thuốc ở trước cửa ra vào rồi bước xuống bậc thềm trại.
“Mặt trời của sói” - ở quê Sukhov người ta gọi đùa như vậy để ám chỉ mặt
trăng.