phúc hơn mình. Nhưng, thật ra, cái “sướng thật” nào ai đã có nếm qua đâu, vì chưa có ai đi tới giếng
và cũng chưa có ai uống được một giọt nước giếng bao giờ.
Cái sướng khổ của người đời trong khi đi tìm Chân Lý, chỉ cũng như thế : sướng khổ trong tưởng
tượng mà thôi. Kẻ học nhiều tự thấy mình sướng hơn người dốt, kẻ dốt tự thấy mình khổ hơn người có
học… cũng chẳng qua là một nhận thức sai lầm về vấn đề sướng khổ thôi : căn cứ vào sự hơn kém trên
con đường đi… mà tự cho mình sướng khổ ?
Và, chỉ có những kẻ nào sống, mới có thể giúp cho kẻ khác giải thoát và trở về với cái sống viên
mãn của họ thôi.
Giúp cho kẻ khác giải thoát, không có nghĩa là ép họ giải thoát, vì thực ra không có ai giải thoát ai
được cả, nếu không phải chính mình giải thoát cho mình. Chỗ cao trọng nhất của con người là trừ mình
ra, không có ai giải thoát cho mình đặng cả. Phải giúp kẻ khác giải thoát , như vầng Thái Dương giúp
cho các hoa được nở, những hoa nào đến thời kỳ nở. Cái “làm” của kẻ đạt đến cái lẽ sống không bao
giờ cưỡng lại với Tự Nhiên không bao giờ dụng tư tâm mà làm hại đến bản tánh của vật mình muốn
giúp. Giúp người phải biết lấy cái tự nhiên mà giúp cái tự nhiên. Người nông phu kia thấy lúa lâu lớn,
bèn nhớm gốc lúa lên một tấc cả… Qua ngày sau, lúa đều chết hết. Đó là lấy cái không tự nhiên mà
giúp cái tự nhiên, đó là chỉ có Tâm mà không có Tri.
Giúp cho người sống mà lại giết cái nguồn sống của họ đi, thật không có gì vô ý thức bằng. Làm
nghĩa và biết làm nghĩa là hai lẽ khác nhau xa, cũng như yêu và biết yêu là hai việc khác nhau rất xa
vậy. Có Tâm mà không có Tri, nguy hiểm cho đời không phải nhỏ.
*****
IV
CHƯƠNG THỨ TƯ
CÁI CHÂN GIÁ TRỊ CỦA SỰ VẬT
Tìm cho ra cái lẽ sống chân chính của ta rồi, cũng chưa đủ. Còn phải tìm cho ra cái lý đương