ta như sỏi đá”. Kẻ tự mình khinh mình thì làm gì tránh được kẻ khác khinh mình. Không tự khinh là tự
biết chỗ cao trọng của mình và lo trau dồi phát huy cái sống của mình đến chỗ tận thiện của nó, không
đèo bòng ham muốn cái tận thiện của kẻ khác. Còn trái lại, nếu mình chỉ thấy cái cao trọng của kẻ khác
mà không thấy chỗ cao trọng của mình đó là tự mình, mình tạo ra người bóc lột mình rồi. Kẻ trên bóc
lột người dưới, người dưới bóc lột người dưới nữa… và cứ cái đà ấy mà đi, chưa biết đến đâu là
cùng. Toàn chỉ vì tất cả chúng ta đều bị tâm cảm tự ti và cái Sợ là đầu mối của biết bao nhiêu tao loạn.
Kẻ bóc lột thì sợ bị bóc lột nên bóc lột thẳng tay; người bị bóc lột thì nhẫn nại chịu đựng để hy vọng
một ngày gần đây bóc lột lại kẻ khác để trả thù. Vì thế mà đồng lòng cùng nhau lo bảo vệ những bảng
giá trị sai lầm. Cuộc đời, rốt cuộc, chỉ là một trường cạnh tranh không ngớt “cá ăn kiến, kiến ăn cá”.
Vấn đề nhân sinh không còn ý nghĩa gì nữa cả.
Cái Văn minh lấy sự so đo hơn kém với cái ngoài mình làm tôn chỉ là “văn minh tiến bộ” mà loài
người đang tranh nhau sùng bái. “ Tiến bộ”, theo phần đông, có nghĩa là hơn người… Hơn về của cải,
tước quyền, mưu mô, thủ đoạn, chứ không phải hơn về nhân cách. Người mà “tiến bộ” là người có
nhiều của cải, địa vị cao, tôi tớ nhiều… Nước mà “tiến bộ” là nước có nhiều lúa gạo, bạc vàng, binh
gia và thuộc địa… Mục đích của văn minh tiến bộ là “thành công”, là “đắc thắng”… Rốt lại, chỉ có kẻ
nào lòng tham dục mạnh hơn tất cả là tiến bộ cao hơn hết và được thiên hạ tôn thờ, bất luận đã dùng
thủ đoạn gian ngoan nào để đắc thắng. Trong cái xã hội tôn thờ “văn minh tiến bộ” thì những chữ nhân
nghĩa toàn là giả dối cả. Kẻ mạnh hiếp yếu thì dùng nhân nghĩa bên lêu làm bình phong để che dấu giả
tâm mình. Kẻ bị đè đầu cưỡi cổ thì kêu gào nhân nghĩa để được người ta thương hại mà nới tay… đợi
một ngày kia quật khởi sẽ đè đầu cưỡi cổ lại. Tựu trung chỉ một trò tuồng trong đó chỉ lấy sự hơn kém
nhau về thế lực bên ngoài làm mục tiêu tranh đấu.
Thấy kẻ “hơn” mình mà quý trọng, đó là mối loạn đã gieo vào lòng người rồi.
Trang Tử cũng có nói : “ Nước dưng lên, cá kéo cả bầy lên bãi… Nước rút xuống, trở về sông
biển không kịp, mắc cạn cả bầy trên vũng nước nhỏ. Bây giờ, chen lưng đâu cật, chum nhum xúm xít
với nhau, kêu gọi sự hỗ trợ yêu thương nhau và gọi đó là Nhân. Sao không lo trở về vực sâu trước đi,
để đến nước bị cạn mà phải đem Nhân Nghĩa giảng dạy nhau chi có ích gì?”
Xã họi sở dĩ loạn là vì không ai biết trở về với cái sống thật của mình, mãi đèo bòng ham muốn
cái ngoài mình, lấy sự “hơn người” làm tiến bộ để kích thích nhau, đến tàn sát nhau như bầy lang sói.
Chừng ấy, dù có đem Nhân Nghĩa mà khuyên bảo nhau cũng bất quá là việc làm tạm bợ cho qua buổi
thôi.
Cái mầm loạn đã bắt đầu ở chỗ “quên mình” để “chạy theo người” của chúng ta. Hay nói một cách
khác, cái mầm loạn là do mỗi người của chúng ta chưa ai biết sống cái sống của mình vậy.