Cũng như hồi nào tới giờ, đúng đến nỗi hộ lý cứ quen lệ, như trước kia,
kiểm lại giờ đồng hồ treo trong phòng mỗi khi thấy ông đi thăm bệnh.
Ngay những lúc báo động máy bay ném bom cũng không làm cho ông sai
giờ. Chắc hẳn là nhờ thế nên nhân viên của ông đã đoạt được những thành
tích kỳ diệu và giữ gìn quy chế của bệnh viện như hồi trước chiến tranh
trong những điều kiện không thể nào ngờ được.
Trong giường bệnh một buổi sáng, bác sĩ chủ nhiệm mà từ nay ta hãy gọi
là Vaxiliêvít đứng sững lại trước hai cái giường lính kê cạnh nhau, ngay
trên thang gác tầng thứ hai.
- Triển lãm gì đây hả? - Ông vừa gầm lên vừa nhìn người phụ tá của ông,
bằng con mắt dữ tợn dưới cặp lông mày rậm, khiến cho người phụ tá tuy
thân hình cao lớn và lưng đã còng, không phải còn trẻ trung gì nữa, cũng
phải đứng thẳng người như một cậu học sinh, mà đáp:
- Họ mới vô đây hồi khuya thôi ạ; cả hai là phi công. Người này gãy
xương háng và gãy tay mặt. Bệnh trạng bình thường. Người kia (người phụ
tá vừa nói vừa chỉ một người gầy ốm tong teo, mắt nhắm, nằm yên không
cử động, khó đoán được tuổi tác) là một người bị thương nặng lắm; xương
bàn chân gãy nát cả, hai chân thối thịt, và nhất là kiệt sức đến mức cùng.
Cố nhiên là tôi chưa tin được báo cáo của quân y sĩ hạng nhì, đã nói rằng
thương binh bị nát cả hai chân như thế này mà lại đã bò mười tám ngày
đêm đằng sau chiến tuyến của bọn Đức. Chắc chắn là báo cáo hơi phóng
đại...
Không nghe thêm nữa, Vaxiliêvít giở mền. Alếchxây nằm hai tay khoanh
trước ngực; những cánh tay đen sạm đã hết cả thịt trên nệm trắng tưởng
như có thể dùng làm đồ vật để trình bày khi nghiên cứu về xương người
được. Giáo sư nhè nhẹ đắp mền lại cho phi công và cắt lời thầy thuốc với
một giọng càu nhàu:
- Sao để họ ở đây?
- Không còn chỗ ở hành lang nữa ạ... Chính bác sĩ đã nói rằng...
- Tôi đã nói, đã nói...? Thế còn phòng 42 thì sao?
- Đó là phòng các đại tá.