thi hành kế hoạch. Anh theo đúng việc điều trị của bác sĩ và săn sóc tới việc
dùng thuốc một cách tỉ mỉ đến nỗi nhiều lúc anh cũng tự lấy làm lạ. Anh ăn
đến nhồi chặt bụng, và đã được thêm khẩu phần, dầu có lúc không ngon
miệng lắm cũng cứ đòi. Anh ráng ngủ đủ số giờ đã định dầu thế nào thì thế,
và tập ngủ trưa đã quen, mặc dù phải ra sức khắc phục cái khó chịu phải
ngủ trưa, vì anh vốn ưa hoạt động, chạy nhảy. Anh thấy ép mình ngủ, ăn
hay uống thuốc là những việc không khó quá. Nhưng tập thể dục là một
chuyện khác. Phương pháp mà anh thường tập không thích hợp với một
người què cả hai cẳng và suốt ngày đóng chặt trên giường. Anh sáng chế ra
một phương pháp riêng cho anh: hàng giờ anh cứ cúi xuống, vươn lên, hai
tay để chống bên hông, vặn mình và quay cổ đến kêu răng rắc. Các bạn
trong phòng thường hay chọc anh một cách thân mật. Cưcúckin ưa chế
nhạo, thường kêu anh là “Lađumách” hay anh em nhà “Giamenski”, hay
những tên của tất cả các nhà vô địch chạy đua khác. Thấy anh tập thể thao
như thế, Cưcúckin không chịu được cho rằng đó là một thứ bệnh khùng
trong nhà thương. Nên thường có lúc Alếchxây bắt đầu tập là anh xông ra
ngoài hành lang vừa ra vừa lẩm bà lẩm bẩm.
Khi đã tháo băng ở hai cẳng anh rồi và anh đã có thể cử động trên
giường dễ dàng hơn, Alếchxây nghĩ ra những cử động phức tạp hơn. Anh
nhét hai đầu chân cụt dưới thành giường sắt và hai tay chống hông, anh tập
cúi xuống, vươn lên càng cứ tăng thêm mãi số cử động lần lần và tập làm
thật chậm.
Rồi anh sáng chế cả một loại cử động cho cả hai chân. Anh nằm ngửa,
gập hai cẳng và co lên duỗi dài ra. Lần đầu khi anh tập cử động này, anh
hiểu rằng tập như thế khó khăn vô cùng có khi không tập nổi cũng nên. Cử
động duỗi chân làm cho cặp giò mới bị cắt đau nhức vô cùng. Cử động của
anh thật là vụng về và không vững chắc. Anh thấy không thể điều khiển
được chân anh, chẳng khác như phi công không điều khiển được máy bay
của mình khi một bên cánh hay đuôi máy bay đã tổn hại. Muốn hay không,
anh bất giác tự so sánh với chiếc máy bay, và cảm thấy thăng bằng của cơ