Thư từ với Onga không làm cho anh vui chút nào, cả lúc bây giờ. Gần
như mỗi tuần, Cơlaođia Mikhailôna đều cho anh “khiêu vũ” nghĩa là cho
anh nhảy nhỏm trên giường và vỗ tay, để nhận bao thư có tuồng chữ tròn
trặn và nắn nót như của một nữ sinh. Thư càng tới càng dài thêm, càng thiết
tha hơn, hình như mối tình giữa hai người hồi nhỏ bị chiến tranh cắt đứt đi,
thì bây giờ đã già dặn lên trong tim Onga. Được thư của cô, anh càng buồn
chán, anh cho rằng không có quyền hưởng ứng những tình cảm tươi đẹp
như thế. Hai người đã là bạn đồng học, ở trường kỹ thuật của nhà máy cưa
Kamisin, đã mến thương nhau một cách thơ mộng từ hồi nhỏ, và đã gọi thế
là ái tình theo kiểu người lớn. Rồi hai người xa nhau sáu, bảy năm, cô thiếu
nữ đi học ở một trường cơ khí. Khi trở về cô làm công nhân cơ khí ở xưởng
máy, nhưng Alếchxây không còn ở thành phố nữa. Anh đã vô học ở trường
hàng không. Hai người chỉ gặp lại nhau ít ngày trước khi chiến tranh bùng
nổ, một thời gian ngắn ngủi thôi. Lần gặp đó, không ai nghĩ tới trước;
không chừng không ai còn nghĩ đến ai nữa, vì từ trước bao nhiêu nước đã
chảy dưới cầu. Nhưng một chiều xuân, Alếchxây cùng mẹ đi ra ngoài phố,
bất chợt gặp một thiếu nữ mà anh cũng không chú ý gì cả, trừ một ý thoáng
qua là cô gái này có cặp giò đẹp.
- Tại sao con không hỏi nó. Con quên nó rồi sao? Onga đó mà. - Và mẹ
anh còn nhắc cả họ của thiếu nữ nữa.
Alếchxây quay lại. Thiếu nữ cũng quay lại, ngó theo hai người. Hai cặp
mắt gặp nhau, tim anh bừng nóng lên. Để mẹ đứng đó, anh chạy vội lại với
thiếu nữ đứng trên lề đường, dưới một cây đương trụi lá.
- Em đấy à? - Anh ngạc nhiên hỏi nàng, vừa hỏi vừa nhìn chầm chậm
giống như nàng là một nàng tiên kỳ diệu hiện xuống trần gian giữa một
chiều xuân, trong ngõ hẻm bùn lầy này.
Thiếu nữ cũng không ngờ là gặp được anh, trả lời:
- Alếchxây sao?
Sau sáu, bảy năm xa cách, lần đầu tiên, họ mới gặp lại nhau. Trước mặt
Alếchxây, đây là một thiếu nữ, yêu kiều, nhẹ nhõm, thanh tú, nét mặt tươi
trẻ tròn trĩnh và hiền hậu, điểm mấy chấm tàn hương nơi cuối sống mũi.