Trung úy nôn nóng như ngồi trên đống than hồng. Anh không chờ cho
Pêtơrốp kịp ăn tráng miệng. Hai người nhảy lên chiếc xe cam nhông chở
nước, chở xăng đi ngang qua, để ra phi trường, mở trên một đồng cỏ gần
làng. Ở đấy, hai người đã gặp đại úy Vệ quốc Sétlốp, chỉ huy phi đội của
mình. Đại úy Sétlốp có vẻ cau có, lầm lì, nhưng chắc là một người cực kỳ
là tốt. Không nói nhiều, đại úy dẫn hai người đến những lõm đất có cỏ xanh
che, dùng làm nơi chứa đựng máy bay LA-5. Phi cơ nằm đó, mới tinh, sáng
nhoáng dưới lớp sơn bóng xanh. Hai phi cơ giao cho hai người mới có ghi
số 11 và 12. Hai người ở cả buổi chiều ở trong rừng bulô thơm phức, nơi
đây cả tiếng gầm vang của phi cơ cũng không thể át nổi tiếng ca đồng
thanh lảnh lót của chim. Hai người bàn tán gần bên phi cơ, với thợ máy
mới của mình; những người này cho các anh biết về sinh hoạt trong trung
đoàn. Câu chuyện vui đến nỗi hai người phải đáp chuyến cam nhông cuối
cùng mà về làng. Trời tối rồi, và anh em đã ăn xong cơm chiều. Nhưng hai
người không lo gì cả về điều ấy. Vẫn còn lương khô đi đường trong bị.
Nhưng bây giờ ngủ ở đâu, lại là chuyện khác. Lùm cây nhỏ đó trong cả một
vùng cỏ hoang này đã phải chứa rất nhiều khách là các đoàn phi công và
các nhân viên thuộc hai trung đoàn không quân đang đóng ở đây. Sau khi
đã đi sục sạo khắp mấy căn nhà cây, đều đã đông nghẹt, và phải cãi lộn
hàng loạt lần với những người đang ở, vì không muốn nhận những người
mới đến nằm thêm, và sau bao nhiêu loạt ý kiến có vẻ triết học lắm về lợi
ích của những nhà cây co giãn được như cao su, thì viên chỉ huy ở đây, cuối
cùng, đẩy các anh vào một căn nhà đầu tiên mà ông thấy, và nói:
- Thôi, các đồng chí ở tạm đây một đêm, mai sẽ hay.
Trong gian nhà nhỏ, đã có tới chín người. Các phi công đã ngủ từ sớm
rồi. Một ngọn đèn dầu leo lét làm bằng vỏ đạn đại bác phía trên đập dẹt lại,
mà người ta thường kêu thời đầu chiến tranh là “Bé con Lacátrin”, rồi sau
kêu là “Stalingơrát”, đang tỏa ánh sáng lờ mờ, soi không rõ bóng những