Jacques Devraux dùng tiếng Anh nói với một giọng đầy cương nghị,
mắt vẫn nhìn thẳng về phía trước:
— Đây chỉ là mặt trái của cái quốc gia này. Ở Chợ Lớn chúng ta thấy
nhiều tay trọc phú người Tàu mập như heo phè phỡn. Họ lập ra các nhà
máy xay lúa rồi bỏ tiền ra mướn xe chở gạo từ các nơi này đem đi bán
tại các thị trường có giá cao nhất, chỉ có những người chân lấm tay bùn,
đầu tắt mặt tối ở đây làm giàu cho kẻ khác mà thôi. Một đôi khi tôi có
cái ý nghĩ là tại Đông Dương này Pháp lại đẻ ra một thuộc địa khác do
mấy anh ba bụng bự điều hành, quán xuyến.
Giọng nói của Jacques Devraux không tỏ vẻ gì y đang diễu cợt hết
cả, và gương mặt sạm nắng của y vẫn nghiêm chỉnh như lệ thường.
Giọng nói đó khiến cho bầu không khí bỗng nhiên ngột ngạt khác
thường. Paul Devraux nhận ra điều này, anh ngần ngừ một thoáng rồi
cất tiếng cười vang:
— Thưa ông nghị sĩ, chúng tôi dùng Pháp ngữ để chỉ những người
Annam này là những người rizicultivateurs, tức là những người kéo
cày, còn các ông Tàu là những unsuricultivateurs, tức là những người
chủ nợ. Nghe hợp lý lắm phải không?
Thượng nghị sĩ Sherman bật cười vang và đưa tay vỗ nhẹ lên cánh
tay của Paul.
— Dù cho cậu có gọi là gì đi nữa thì tôi cũng ao ước được có vài
trăm người như họ qua làm việc cho đồn điền của tôi ở Virginia biết
chừng nào.
Nói xong Thượng nghị sĩ đưa mắt nhìn ra những người nông dân
đang qua lại dập dìu hai bên lề đường, nhìn họ như vừa đi vừa chạy.
— Trông như người nào cũng có một động cơ thúc đẩy trong người
của họ hết phải không? Lúc nào họ cũng vội vàng hết cả.
Paul đáp lời đầy vẻ nhiệt tình:
— Họ là những người rất cần cù. Trong những thân hình ốm yếu đó,
ai cũng có một sức lực rất bền bỉ.
Thượng nghị sĩ Sherman từ tốn hỏi: