nên được giải phóng để khám phá, để tìm kiếm bất kỳ những gì nó muốn.
Tròng giới hạn vào cổ thì nó sẽ co rút lại như con giun dưới ánh mặt trời.”
Nhất trí. Đó là một nghịch lý. Trong cuốn The Courage to Create (Tạm
dịch: Can đảm để sáng tạo), Rollo May cho đó là một “hiện tượng”. Nhưng
ông giải thích rằng “bản thân sáng tạo cần phải có giới hạn, vì hành vi sáng
tạo sinh ra trong cuộc đấu tranh của con người với những khuôn phép, gò
bó.”
Tôi xin đưa ra một ví dụ:
Khi giao cho một nhóm nhiệm vụ sáng tạo một đoạn phim quảng cáo truyền
hình, tôi nhận thấy họ lúng túng khi được hoàn toàn tự do sáng tác. Quá tự
do dẫn tới hỗn loạn. Nhưng khi họ buộc phải làm theo một phương châm
chiến lược sáng tạo (xem chương 10) một ngân sách nhất định với yêu cầu
độ dài đoạn phim 30 giây theo một chủ đề và tất nhiên là có hạn chót thì họ
luôn tìm ra được giải pháp.
Tiểu thuyết gia Joseph Heller cũng thấy vậy: “Ý tưởng đến với tôi chứ tôi
không thể muốn là tìm ra được. Chúng đến với tôi trong trạng thái mơ màng
được kiểm soát. Có lẽ nó liên quan đến quá trình rèn luyện viết lời quảng
cáo trong nhiều năm trời của tôi với những khuôn khổ đã tạo cho trí tưởng
tượng của tôi sự khích lệ đáng kể.”
“Những không gian nhỏ giúp rèn luyện trí tuệ; những không gian lớn khiến
trí tuệ xao nhãng,” Leonardo da Vinci nhận xét.
“Có một bài luận của T.S. Eliot,” Heller tiếp tục, “trong đó ông ca ngợi tính
kỷ luật của công việc viết lách, tuyên bố rằng nếu một người buộc phải viết
trong một khuôn phép nhất định, trí tưởng tượng sẽ dồn đến cực điểm và họ
sẽ sáng tạo ra những ý tưởng phong phú nhất. Nếu để cho họ hoàn toàn tự
do, thì nhiều khả năng tác phẩm sẽ lan man.”