Qua đó Zukav nhận xét: “Chén trà của chúng ta luôn đầy ắp với những thứ
‘rõ rệt’, ‘lẽ thường tình’, và cả ‘hiển nhiên’.”
“Nếu anh muốn trở nên sáng tạo hơn,” nhà tâm lý học Jean Piaget nói, “thì
hãy giữ lại trong tâm hồn một phần trẻ thơ với sự sáng tạo và phát kiến đặc
trưng của trẻ trước khi chúng bị tha hóa bởi thế giới người lớn.”
Nhà Vật lý J. Robert Oppenheimer đồng tình: “Đôi lúc, những đứa trẻ rong
chơi trên phố có thể giải quyết những vấn đề vật lý khiến tôi đau đầu, bởi vì
chúng có những giác quan nhận thức mà tôi đã mất lâu nay.”
Thomas Edison cũng tán thành: “Phát minh lớn nhất của loài người là trí
tuệ của trẻ thơ.”
Và cả triết gia Will Durant nữa: “… trẻ con biết sự thật về vũ trụ chẳng kém
gì Einstein khi ông ngất ngây với công thức cuối cùng của mình.”
Mà kỳ lạ thay, chính Albert Einstein cũng nhận xét tương tự: “Đôi khi tôi tự
hỏi sao mình lại có thể là người tìm ra thuyết tương đối. Tôi nghĩ là do
người lớn không còn nghĩ về không gian và thời gian nữa. Hồi nhỏ người ta
đã từng nghĩ về nó rồi. Có điều trí tuệ tôi lại phát triển chậm chạp, thế nên
phải đến khi trưởng thành tôi mới bắt đầu tự đặt ra câu hỏi về thời gian và
không gian.”
Có lẽ, nhà thơ xứ Wales Dylan Thomas đã đưa ra nhận xét xúc tích nhất khi
ông viết:
Quả bóng tôi ném khi chơi trong công viên
Vẫn chưa rơi xuống đất.
Người lớn không chơi trong công viên, lũ trẻ thì có.
Người lớn thường làm theo những gì đã được làm trước đó.