Lũ trẻ phá vỡ quy tắc bởi chúng không biết đến sự tồn tại của quy tắc.
Chúng làm những điều kỳ cục khiến cha mẹ lo âu. Chúng đứng và nhảy
nhót trên thuyền. Chúng la hét trong nhà thờ, rồi thì nghịch diêm, và dùng
nắm đấm để chơi dương cầm.
Chúng luôn nhìn thấy mối liên quan giữa những điều tưởng chừng chẳng
dính dáng gì đến nhau. Chúng sơn cành cây màu cam, lá cỏ màu tím, và
chúng treo xe cứu hỏa trên những đám mây.
Chúng chăm chú tìm tòi những điều giản dị như cọng cỏ, chiếc thìa, khuôn
mặt và có giác quan kỳ lạ về những điều mà người lớn chúng ta thường coi
nhẹ.
Chúng luôn hỏi, hỏi nữa, hỏi mãi.
“Trẻ con là những nhà khoa học bẩm sinh,” nhà thiên văn học Carl Sagan
nói, “Trước hết, chúng đưa ra những câu hỏi khoa học sâu sắc: Tại sao mặt
trăng lại tròn? Tại sao bầu trời màu xanh? Giấc mơ là gì? Tại sao con người
có ngón chân? Sinh nhật của trái đất là ngày nào? Khi vào trung học phổ
thông thì chúng hầu như chẳng còn có những câu hỏi như vậy nữa.”
“Trẻ em đến trường với những dấu hỏi và ra trường với những dấu chấm
hết.” Nhà phê bình văn hóa Neil Postman tán thành.
Hãy biến mình thành dấu hỏi trở lại.
Bất kể bạn thấy gì, hãy tự hỏi mình tại sao lại như vậy. Nếu bạn chưa tìm
được câu trả lời hợp lý thì có lẽ sự tiến bộ đang chờ ở phía trước.
Tại sao dây chuyền sản xuất của bạn lại được thiết kế như vậy?
Tại sao cô lễ tân kia lại ngồi sau bàn làm việc? Tại sao bạn cũng vậy?