Với trẻ con không bao giờ có sự lặp lại. Mỗi lần đối với chúng đều là lần
đầu tiên. Vì thế khi tìm kiếm ý tưởng, chúng thấy một thế giới tươi mới
nguyên sơ, một thế giới không có quy tắc, không có biên giới, rào cản,
tường cao hay giới hạn, một thế giới đầy hứa hẹn và cơ hội bất tận.
Bạn có nhớ câu chuyện trong cuốn Zen and the Art of Motorcycle
Maintenance (Tạm dịch: Thiền và nghệ thuật bảo dưỡng xe gắn máy) của
Robert Pirsig nói về cô gái không nghĩ được gì để viết về nước Mỹ trong
bài luận dài 500 từ? Người thầy giáo yêu cầu viết về Bozeman, Montana,
thị trấn nơi cô học thay vì viết về cả nước Mỹ. Cô cũng không viết được.
Rồi ông cho viết về con phố chính ở Bozeman nhưng cô cũng chẳng viết
được một từ.
Sau đó ông nói, “Thu hẹp phạm vi lại đến mặt tiền của một tòa nhà trên con
phố này, Nhà hát Opera. Hãy bắt đầu từ viên gạch ở góc trên cao bên trái.”
Buổi học sau, cô gái nộp bài viết dài 5000 từ về mặt tiền Nhà hát Opera trên
con phố chính của Bozeman.
“‘Tôi ngồi trong quán hamburger bên kia phố,’ cô nói, ‘và bắt đầu viết về
viên gạch đầu tiên, rồi viên thứ hai và cứ thế tôi viết mãi.’”
Ban đầu cô ta bế tắc, Pirsig viết, “bởi cô tìm cách lặp lại những gì cô đã
nghe kể… Cô không thể nghĩ ra cái gì để viết về Bozeman vì cô không nhớ
nổi điều gì đáng để kể lại. Cô không hề biết rằng mình có thể nhận ra những
điều mới mẻ đối với bản thân khi không bận tâm đến những gì đã từng
được nói trước đây.”
Trẻ con không gặp phải sự bế tắc đó vì chúng không biết gì trước đó.
Chúng chỉ biết hiện tại. Do vậy khi tìm kiếm giải pháp cho một vấn đề,
chúng tìm kiếm và thấy tận mắt lần đầu tiên. Lần nào cũng vậy.