vàng ven sông là rặng cây xanh ngắt của làng Nham Biều. Trên bến sông,
một người đàn bà giũ áo.
- Anh có tin rằng những người yêu đưa nhau lên chùa Thiên Mụ
thường tình yêu bị tan vỡ không? - Giọng Tuyết Minh nhẹ như gió thoảng.
Duyệt lặng im không trả lời. Anh mải nghe tiếng chuông chùa đổ nhịp.
Thanh âm trong vắt hòa quyện với tiếng mõ thỉnh đều đều. Cốc cốc, cốc
cốc... Ôi! Nếu không có chuyến vượt núi, biết đâu bây giờ Duyệt đã là một
giáo sư dạy ở một nơi nào đó, có một tình yêu và một mái nhà yên ấm. Ông
ba nuôi hắn đã giải nghệ nghề xích lô. Mạ đã có thể giã từ đôi quang gánh
với nồi xương giò hầm, thúng bún...
"Kẻ chiêu hồi", Duyệt lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại ba tiếng ấy trong tiềm
thức. Chắc chắn phen này anh sẽ lãnh án kỷ luật. Kỷ luật là đúng! Kêu ca
vào đâu được. "Thằng Duyệt tiểu đoàn phó đánh nhau có sừng có mỏ ở
trung đoàn 5 bị kỷ luật!". Duyệt mường tượng đến cả giờ phút anh sẽ gặp
mặt ông Một. Một gương mặt dài sạm nắng. Vết đạn lính bắn ở đồn Hương
Thủy làm thành một vết sẹo dài trên má. Duyệt đã từng biết ông sỉ vả
những cán bộ chỉ huy dốt nát, ươn hèn để bộ đội hy sinh một cách vô ích
như thế nào, cũng như từng biết tấm lòng của một người cha thương lính
đến thế nào ở ông trung đoàn trưởng.
Hoạch, nguyên là đại đội trưởng trong đại đội một, đã bị thương ra
Bắc điều dưỡng từng bị ông Một xách tai. Trận đánh vào ấp Năm, mũi của
Hoạch bị vấp mìn tụi bảo an gài trên con đường trục vào làng. Cối 61 của
địch "đấm lưng" đội hình. Trung đội đi với Hoạch một tổ bị hy sinh, số còn
lại bẹp xuống bờ ruộng không sao tiếp cận vào rìa làng để thực hiện theo
đúng hiệp đồng trận đánh với ba mũi khác. Ông Một bữa đó xuống đại đội
1 và đi theo mũi này, ông nắm lấy tai Hoạch lôi anh ta ra khỏi bờ ruộng.
Địch bắn pháo sáng rực một góc trời. Cách địch chưa đầy một tầm súng bộ
binh, ông Một quát to như giữa sở chỉ huy trung đoàn. Một tay ông lăm lăm
khẩu AK báng gấp lấy từ tay cậu liên lạc trung đoàn đi theo bảo vệ ông.