bên ngoài dội vào. Tiếng pháo bắn cầm canh đạn bay rít qua đỉnh đầu nổ
đâu trên ngả địa đạo 310, khe Trái. Tiếng máy bay OV10 lượn vòng, tiếng
trực thăng phành phạch... Và rồi cái vọng của thằng tâm lý chiến kêu gọi bộ
đội C3 ra chiêu hồi.
Duyệt tưởng tượng ra cả bộ mặt, cả nụ cười sung sướng của những
thằng chỉ huy ngụy, Mỹ nào đó cầm trên tay lá thư của ông Duy gửi cho
tiểu đoàn trưởng Bậu viết bằng mực bút bi trên tờ giấy xé ra từ cuốn vở
Cogiđô một trăm trang. Trong cơn tức giận, Duyệt đã đạp nát cả chiếc đài
Natiônal ba pin đại, khi thằng phát thanh viên đài Huế đưa tin Duyệt bị
quân đội đồng minh bắt sống và đã đầu hàng về với chính phủ quốc gia.
Cái tin láo xược ấy làm cho Duyệt đau đớn hơn cả vết thương ở bả vai và
những vết gai cào ở chân. Rồi ông Duy và Hồng sẽ cải chính cho Duyệt.
Nhưng hiện thời Duyệt đang nằm trong hầm của đại đội 3 thì cả tiểu đoàn,
cả trung đoàn và cả quân khu sẽ ngỡ ngàng vì liều thuốc độc hại đó...
Miệng thế gian!... "- Trời ơi! Thằng Duyệt đổ đốn đến vậy kia à?". "Nó
đánh đấm ra răng mà để lính chết còn nó thì bị bắt sống?". "Ha ha! Thằng
Duyệt chiêu hồi tụi bây ơi! Chuyến ni lo mà chống càn. Thằng Duyệt mà
theo địch thì đến cái lông d... của mình nó còn biết nữa là...".
Rồi ở Huế, ba mạ nuôi của anh, đám bạn bè thời sinh viên đang rải
khắp cả miền Nam này sẽ biết tin Duyệt "chiêu hồi!". Một anh chàng theo
Việt cộng từ những năm sáu mươi ba... Tin này rồi sẽ đến tai Tuyết Minh.
Bốn năm xa Huế, Duyệt chỉ có dịp về thăm Huế một lần, dạo Tết Mậu
Thân. Duyệt về trong tư thế của một anh đại đội trưởng đại đội chủ công
của tiểu đoàn. Ba mươi phút ghé qua nhà chia vui cùng ba má. Ba anh sáng
ngày mùng ba Tết đã phải đi rước khách. Anh cũng vội về đơn vị để chuẩn
bị đánh phản kích. Trả việc nghĩa cuối cùng cho Tuyết Minh là bố trí cậu
giao liên lái chiếc xuồng máy đưa vợ chồng và hai đứa con của Tuyết Minh
xuôi sông Hương xuống Vĩ Dạ. Người chồng của Tuyết Minh hơn vợ ngót
nghét hai chục tuổi. Trước lúc bước chân xuống đò máy ông ta còn nắm lấy
tay Duyệt cảm ơn: