thua này, Duyệt biết mình đang phải trả giá đắt cho uy tín của một thủ
trưởng tiểu đoàn và lòng ngưỡng mộ của những chiến sĩ, về anh.
Thà rằng Duyệt chết mất xác do trái mìn của tụi Mỹ, thà rằng anh
trúng đạn chết dưới tán cây rừng... Còn hơn... Mỗi bữa ăn, Thiệu bưng sang
cho anh một ăng-gô cháo môn. Duyệt nuốt không vô. Để cho mấy chục
người chiến sĩ đói, đó là lỗi tại anh, tiểu đoàn phó phụ trách hậu cần. Khách
quan ư? Ừ thì địch chốt, tắc đường. Nhưng hơn một tấn gạo giấu trong kho
của tiểu đoàn tháng trước bị ướt là do anh không chịu kiểm tra tay quản lý.
Cả tiểu đoàn phải chia nhau số gạo ướt ăn vội vã. Nhiều chỗ gạo ướt quá
vừa chua vừa đắng, làm bún nuốt cũng khó vô. Nhiều lúc Duyệt không dám
nhìn vào mắt mấy cậu chiến sĩ vừa ốm dậy sau cơn sốt. Chân tay lẻo khẻo,
mắt sâu hoắm như hai lỗ đáo, má tóp, môi thâm sì. Vừa ốm dậy, họ phải đi
bám địch suốt ngày. Đến ngay ông Duy to mập là vậy giờ cũng chỉ còn có
bộ khung, nằm bẹp húp cháo môn. Không ai trách cứ Duyệt, kể cả ông
Duy. Vả lại mải lo đánh giặc chống càn, chống đói đảng ủy tiểu đoàn ba
tháng nay phân tán mỗi người một nơi, chưa bao giờ đủ mặt để họp.
Mấy đêm nay, hầu như Duyệt thức trắng. Anh nằm nghĩ miên man
chuyện nọ chuyện kia. Tiếng gà rừng eo óc gáy vọng dưới chân đồi tranh,
anh mới chợp mắt thiếp đi được một lúc nhưng lại chìm đắm trong những
cơn mê sảng. Ngày hai bận, Phưởng sang tiêm thuốc, thay băng. Căn hầm
kèo chữ A vô hình chung trở thành lớp vỏ bọc che chắn cho Duyệt khỏi
tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tránh gặp mặt ông Duy, Hồng và những
người chiến sĩ.
Trong căn hầm kèo chữ A, lúc nào chán nằm võng, Duyệt lại xuống
sạp nằm. Khoảng không gian chưa đầy hai mét vuông, ánh sáng lọt qua tán
lá cây rừng hắt xuống nhờ nhờ, một mình anh một thế giới. Nhưng chính
Duyệt từng giờ, từng phút phải đối đầu với chính mình...
Trốn tránh được với những chiến sĩ đại đội 3, chẳng cần tiếp xúc với
ông Duy nhưng Duyệt không thoát khỏi được tiếng vọng của âm thanh từ