- Thôi, thôi! – Tôi đứng dừng lại, chau mày vung tay – Thôi cô đi đằng cô
đi! Cô đừng có ám người ta nữa!
- Ơ kìa! Cái anh này – Cô vẫn toét miệng cười trơ trẽn – Em phải dạy anh
chứ, đàn bà ấy mà…
- Cô có đi không thì bảo? – Tôi bỏ chiếc xẻng trên vai xuống, khuyên cô ta
– Đàn bà, tôi còn hiểu hơn cô nhiều!
Cô vẫn không hề lấy làm phiền, cứ trông tôi mà nhe răng cười, rồi ư ử
trong miệng bài “ Tặng anh một đoá hoa hồng ”, cứ thế mà bước đi.
Tôi cứ tường mình đi sau cùng, hóa ra sau tôi lại còn bà Mã nữa kia.
Trong cánh tay khòng khòng của bà vẫn có một bó củi khô như thường lệ.
Trong dáng đi, biết là bà đang cố theo cho kịp tôi. Tôi đứng lại bên đường
chờ bà ta.
- Rõ khổ….!
Còn cách rất xa, bà đã lên tiếng ca cẩm, giọng dài ra du dương như cô đào
Kinh kịch. Nhưng trông nét mặt bà, thì lại chẳng thấy qua một nét nào
chứng tỏ bà cảm thấy khổ. Khuôn mặt đầy những vết nhăn chi chít vẫn
mỉm một nụ cười: bà đầu ngẩng cao, ngực vươn tới, hai bàn chân giẫm lạch
bạch liên hồi cứ như lừa cái đá hất hai vó sau. Tôi nhớ lại câu bà thường
nói “ Tục ngữ có câu: đàn ông cúi đầu, đàn bà nghển cổ. Tôi khổ là tại cái
dáng đi ấy ”. Kỳ thật, câu tục ngữ ấy là nói về tính cách của đàn bà với đàn
ông, chứ có liên quan gì đến số phận với dáng đi đâu. Nhưng bà cứ muốn
hiểu như vậy, thì cũng đành tuỳ, bà đã tìm được căn nguyên nỗi khổ của
mình, cho nên mới cảm thấy trong khổ có vui.
- Cậu Chương này, tại sao cậu cứ nhất định ly hôn với cô Hoàng thế?
Bà ta đuổi theo kịp, cất tiếng hỏi tôi.
- Chuyện ấy thì bà đừng hỏi nữa, ban nãy đã có mấy người hỏi tôi rồi. Lạ
thật! Thời buổi bây giờ, mọi người cứ thích rỗi hơi để ý tới những chuyện
không đâu của người khác.
- Mọi người ai cũng quan tâm đến cậu đấy – Bà liếc mắt nhìn sang tôi –
Tuy cậu có cái mũ ở trên đầu, nhưng chẳng ai để ý tới nó đâu, cứ coi như