vuốt xuôi xuống, thì nó lại từ từ co trở lại như ốc sên:
- Mày làm gì thế? Tại sao bắt tao phải nhắm mắt? Tao phải mở mắt thật to
kia.
Đứng bên người chết, cái chết thảm khốc, và điều bí ẩn vĩnh hằng chẳng ai
lý giải được, đã khiến tôi bớt tò mò đi, tôi không dám liếc sang đám tù đàn
bà và trại giam của họ, mặc dầu đây là một dịp tham quan cực kỳ hiếm hoi.
Chỉ khi bà đồng lại mở mắt trừng trừng nhìn lên, tôi thấy đám đàn bà con
gái rú lên kinh hãi và khóc lóc thảm thương, có cả tiếng va đập loảng
xoảng, chẳng biết ai quá hãi đánh đổ cả chậu cơm.
Chúng tôi đã đặt bà đồng già chết không nhắm được mắt vào trong << bộ
vỏ dòn >> đóng bằng gỗ bạch dương.<< Bộ vỏ dòn >> là tiếng lóng của tù
lao cải, so với từ << quan tài ván mỏng >> của nhà văn sáng tạo ra, thì hình
tượng hơn nhiều. Xem ra bà đồng này vẫn còn gặp may, chứ tù chết năm 60
thì bộ vỏ dòn cũng chẳng có, chỉ có manh chiếu cói mà thôi. Hồi ấy, suýt
nữa tôi đã được bó bằng manh chiếu như vậy.
Tù đàn bà và tù đàn ông được cách ly tuyệt đối. Đến mức tù đàn ông chúng
tôi tưởng chừng quên hẳn là còn có tù đàn bà đang ở đây. Nhưng rút cục thì
cùng ở một nông trường, cùng một loại lao động, cùng đi chung một con
đường, họ sống sờ sờ ngay cạnh chúng tôi. Có anh tù hình sự trẻ mũi thính
như chó dái, chỉ ngửi cũng biết, tù đàn bà hôm nay, đi làm ở đâu, đi qua
con đường nào, thậm chí biết cả hôm nay trong đội đàn bà đã xảy ra chuyện
gì. một mẩu dây bọc cao su rơi trên đường, chiếc vòng tay thay cho xuyến
bạc dùng làm đồ trang sức khi họ bị tước đoạt hết mọi lạc thú trên đời, đây
chính là dấu hiệu đàn bà của đội lao cải. Mẩu dây bọc cao su ấy đã khiến tù
đàn ông tơ tưởng, thêu dệt bao nhiêu là chuyện. Giầy lao cải cỡ nhỏ, dấu
chân bé xíu như chân trẻ con, vết chân thon thon in mờ mờ trên mặt đất, rồi
thì vụn màn thầu, vụn khoai tây vứt bừa trên cỏ ( tù đàn bà thường ăn ít hơn
tù đàn ông ), đều như lối mòn quanh co thanh vắng trong vườn hoa, biến
thành nơi để hai bên trai gái hẹn hò gặp gỡ. Dĩ nhiên chỉ là gặp gỡ trên tinh