Nhưng chúng tôi thực sự thông cảm được với nhau, vì chúng tôi tự mình đã
từng chịu đựng nỗi thống khổ ấy, dẫu về hình thức có khác nhau: một bên
ngồi tù một bên lấy chồng, nhưng thực chất và mức độ cảm giác lại giống
nhau.
Cọng cỏ khô bay tung lên một lúc, rồi lả tả rơi xuống, loang loáng khắp
chuồng. Gió thổi cần kéo nước kêu cót két cọt kẹt, gầu múc va vào thành
giếng bình bịch bình bịch. Tôi kéo mấy cái thùng nước dưới giếng lên,
nhào một đống bùn, rồi cùng cô ta thong thả trát vách quanh chuồng. Thực
ra ông bí thư không cho thêm người, thì mình tôi cũng sửa sang xong
chuồng cừu. Nhưng kinh nghiệm nhiều năm làm công nhân nông trường đã
dạy tôi, trước khi nhận một nhiệm vụ gì người ta giao cho anh, đầu tiên anh
phải kêu ca, cho thêm người đến thì anh đỡ phần vất vả. Say sưa khi lao
động và ranh ma khi nhận nhiệm vụ lao động, hai cái đó không mâu thuẫn
nhau: lao động là cuộc sống của mình còn nhiệm vụ thuộc về người khác.
Chỉ có công nhân làm thuê mới phân biệt được rõ sự khác nhau giữa hai cái
đó.
Giờ đây, hai chúng tôi làm công việc của một người, nên rất thảnh thơi rất,
ăn ý. Điều đó bỗng khiến tôi nghĩ đến: sự hưởng thụ lớn nhất mà nền kinh
tế tiểu nông đem lại cho con người, chính là làm ăn có vợ có chồng! Toàn
bộ nội dung thẩm mỹ của Văn học cổ điển Trung Quốc về nông thôn chẳng
qua chỉ xoay quanh cái hạt nhân - chồng cầy ruộng vợ dệt vải - mà thôi.
Chúng tôi chuyện trò với nhau về những người thân của mình. Những
người thân quen ở đây, không phải là những người thân đã mất, những
người thân chỉ còn trong thế giới ảo mộng, mà là những người cùng cảnh
cải tạo tù tội với nhau. Vì cuộc sống của chúng tôi chỉ gặp nhau ở mỗi một
điểm ấy mà thôi. Bọn họ, có người lại bị tống vào trại cải tạo lần nữa,
người thì chồng bỏ, kẻ thì vợ chê, người thì tự tử, kẻ thì bị giết…..quanh đi
quẩn lại chúng tôi lại thấy số phận mình hãy còn khá; cuộc đời hãy còn đặc
biệt ưu ái hai đứa chúng tôi. Chúng tôi thở than nhưng chúng tôi vẫn thấy
vui hơn.