Đọc đoạn văn của Kim Thánh Thán trên kia, có phải rõ ràng thế giới là một
bàn tiệc bày ra cho chúng ta hưởng đấy không? Tôi ngờ rằng sở dĩ chúng ta
cứ cố ngoan cố nhắm mắt không chịu nhìn cái thế giới đẹp đẻ đó, vì các
nhà theo chủ nghĩa tinh thần doạ cho ta nhát sợ nó. Một thứ triết học cao
thượng hơn phải gây ra được cho lòng ta tin tưởng cái cơ quan đẹp đẽ, dễ
tiếp nhận cảm xúc tức thể xác của ta này, trước hết phải diệt trừ cho ta cái
lòng khinh thị, sợ sệt giác quan của ta. Trừ phi các triết gia có thể “thăng
hoa” (sublimer) được vật chất, “thuần tinh hoá” (éthéraliser) được thể xác
con người, hoặc trừ phi ta nhất định theo bọn người hành xác Ấn Độ cho
đến cùng, còn thì chúng ta phải có can đảm nhìn thẳng vào thực thể của ta.
Vì chỉ có triết học nào chịu nhận sự thực là mới có thể dắt ta tới hạnh phúc,
chỉ có một triết học như vậy mới lành mạnh và bổ ích .
4. NGƯỜI TA HIỂU LẦM CHỦ NGHĨA DUY VẬT
Đoạn văn của Kim Thánh Thán đủ cho ta tin rằng những cái vui vật chất và
tinh thần liên quan mật thiết với nhau. Những cái vui tinh thần – và cả
những cái vui đạo đức nữa – phải do thể xác cảm được thì mới có thực.
Những người truyền bá một học thuyết thường phải chịu cái nông nỗi bị
người ta hiểu lầm, như trường hợp các nhà trong phái Khắc kỉ như Marc
Aurèle; và biết bao lần chủ nghĩa minh triết, thận trọng, điều độ của
Epicure bị hạng người phàm tục coi là chủ nghĩa của hạng người chỉ tìm
khoái lạc! Họ trách cái quan niệm hơi vật chất của chủ nghĩa đó là ích kỉ,
thiếu tinh thần trách nhiệm xã hội, là chỉ dạy cá nhân hưởng thụ lấy một
mình. Như vậy là lầm, là không biết cái nhân hậu của chủ nghĩa hưởng lạc,
cái khả ái của hạng người yêu đời. Ta không nên coi lòng yêu nhân loại là
một học thuyết, một tín điều, một lòng tin do trí tuệ mà có hoặc một đề mục
biện luận có thể đem chứng cứ ra bênh vực được. Nếu lòng yêu nhân loại
cần có lí lẽ để bênh vực thì nó không còn là một lòng yêu chân chính nữa,
vì lòng yêu chân chính thì phải hoàn toàn tự nhiên, tự nhiên đối với ta cũng