cảm vui vẻ, hoạt động, vô tư, một sự miệt thị những ảo giác của cá nhân.
“Đối với những thống khổ vô tội của sinh vật, chủ nghĩa đó không khi nào
lãnh đạm; mà đối với những cái khổ do hư vinh cùng ảo tưởng gây ra thì
nó chỉ có một thái độ để tự vệ là mỉm cười”.
Vả lại cái đời sống tinh thần hoặc tâm linh mà ta tự hào, đặt lên trên đời
sống của cảm quan kia, là đời sống gì? Nó do đâu mà có, nguồn gốc bản
thể của nó ở đâu, nó tồn tại nhờ cái gì? Đã từ lâu, các triết gia đã bảo ra
rằng tri thức đều do kinh nghiệm của giác quan mà có. Không có giác quan
thì ta không thể có tri thức cũng như máy ảnh không thể chụp hình được
nếu không có ống kính và phim. Một người thông minh với một người đần
độn khác nhau ở chỗ người thông minh có những giác quan hoàn hảo hơn,
nhạy hơn, bắt được hình ảnh mau hơn và giữ được bền hơn. Khi ta dò dẫm
trong đời để rút kinh nghiệm thì tất cả những giác quan của ta đều làm việc
chung và do sự hợp tác đó, sự hợp tác của tim và óc, mà ta có được cái
nhiệt tình tinh thần, nó biểu hiện cho sự sống, cũng như màu xanh biểu hiện
cho thảo mộc. Xét một tư tưởng ta thấy nó sinh động nhiều hay ít là nhờ nó
có nhiều nhiệt tình hay ít, cũng như nhìn một cây, thấy là xanh hay khô mà
biết nó tươi tốt hay đã héo.
4. NHỮNG THÚ VUI TINH THẦN LÀ GÌ?
Khi xét những thú vui mà người ta cho là cao thượng nhất của tinh thần,
chẳng hạn thú vui văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, tôn giáo, triết học, ta
thấy trí tuệ đóng một vai trò rất nhỏ so với vai trò của giác quan và tình
cảm. Một bức hoạ có công dụng gì nếu không phải là cho ta thấy một
phong cảnh, một diện mạo và gợi cho ta cái vui khả cảm, như được nhìn
một phong cảnh, một diện mạo thực? Và công dụng của văn chương là gì
nếu không phải là tạo lại một trạng thái đời sống, gây cho ta cái không khí,