Không người đàn ông nào thoát li đàn bà mà sống được. Nếu người ta nhận
rằng ai cũng có mẹ thì không một người nào có thể miệt thị đàn bà được.
Từ lúc oe oe chào đời tới lúc nhắm mắt, đàn ông luôn luôn sống giữa đàn
bà: mẹ, vợ, con gái…; nếu không có vợ thì cũng được một người đàn bà
săn sóc, hoặc là chị như William Wordsworth, hoặc thím quản gia như
Herbert Spencer. Không một triết học nào có thể cứu vớt một kẻ không lập
được những tương quan bình thường, thích hợp với mẹ hoặc với chị; và nếu
đối với thím quản gia mà cũng không biết cư xử nữa thì chỉ có Trời mới
cứu được.
Có cái gì bi đát trong đời sống của một người đàn ông không tạo được
những quan hệ bình thường với người đàn bà đến nỗi phải than thở như
Oscar Wilde: “Đàn ông không thể sống với đàn bà được; mà không có đàn
bà cũng không sống được”. Thành thử trong bốn nghìn năm, từ khi có một
truyện Ấn Độ về Sáng thế kí cho tới Oscar Wilde ở đầu thế kỉ hai mươi, cái
khôn của nhân loại chẳng tiến được chút nào cả, vì ý tưởng của Wilde cũng
y như ý tưởng trong truyện Ấn Độ đó
2. CHỦ NGHĨA ĐỘC THÂN: SẢN PHẨM LỐ LĂNG CỦA VĂN
MINH
Sự chấp nhận quan niệm giản dị và tự nhiên về gia đình đó đưa tới hai sự
xung đột: Xung đột giữa cá nhân và gia đình; xung đột giữa triết học chủ trí
(trọng trí tuệ) và triết học chủ tính (trọng thiên tính, bản năng). Sự xung đột
sau khốc liệt hơn vì một người tin ở cái chủ nghĩa cá nhân, có thể rất thông
minh, còn một người chỉ tin ở cái trí tuệ lạnh lẽo, chứ không tin ở cái tâm
nồng nhiệt, là kẻ điên. Không trọng tính cách tập thể của gia đình, không
coi gia đình là một đơn vị xã hội, thì còn có thể tìm một tập thể khác mà
thay gia đình; nhưng mất cái thiên tính phối ngẫu, cái thiên tính làm cha mẹ