thể đã mời chúng ta dự tiệc của Ngài, mà cũng có thể không. Thái độ của
người Trung Hoa là được mời hay không thì cũng cứ dự. Thức ăn ngon như
vậy, còn chúng ta thì thèm ăn như vậy, mà lại không dự thì họ cho là điên
khùng, vô lí. Xin các ngài triết gia cứ tiếp tục suy luận về siêu hình học đi
để rán tìm ra xem chúng ta có được mời dự tiệc của Thượng Đế hay không;
còn chúng ta thì cứ lo ăn đi, kẻo thức ăn nguội hết. Hễ đói thì có lương tri.
Vậy địa cầu của chúng ta là một địa cầu tuyệt hảo. Thực đơn nó dâng cho ta
quả là bất tận, đủ để thoả mãn mọi sở thích, và chúng ta chỉ có mỗi thái độ
hợp lí là ngồi vào bàn tiệc đi, đừng oè oẹ nữa .
2. BỆNH TỰ ĐẠI CỦA CON NGƯỜI
Thiên nhiên lúc nào cũng là một liệu dưỡng viện (sanatorium). Nếu nó
không trị được những bệnh khác thì cũng có thể trị được cho ta chứng tự
đại. Con người phải được “đặt vào đúng vị trí” trong thiên nhiên. Vì vậy
các hoạ sĩ Trung Hoa vẽ những hình người nhỏ xíu trên các bức hoạ phong
cảnh. Bức “Tuyết hậu quan san” (Ngắm núi sau cơn tuyết), vẽ cảnh một
người ngắm núi, nhưng phải kiếm rất lâu mới thấy được một gốc thông có
hình người ngồi xổm, cao ba bốn phân, mà bức hoạ thì cao năm sáu tấc. Lại
còn một bức hoạ nữa đời Tống vẽ bốn cao sĩ mùa thu dạo bước trong một
rừng cổ thụ ngửng lên ngó tàn lá ở trên đầu. Thỉnh thoảng chúng ta nên tự
cảm thấy cái bé nhỏ thảm hại của bản thân; cảm giác đó rất hữu ích. Một
mùa hè, ở trên núi Cổ Lĩnh, tôi nhìn xuống thành Nam Kinh cách khoảng
trăm dặm, nghĩ tới hai người nhỏ như kiến đương thù ghét nhau, lập mưu
giết hại nhau vì người nào cũng cho rằng chỉ có mình mới là thực tâm
phụng sự Tổ quốc; phải đứng trên cao như vậy ngó xuống mới thấy cái đó
có vẻ khôi hài. Cho nên người Trung Hoa cho rằng đi chơi núi rất có lợi:
lòng ta hoá ra trong sạch, bớt lo lắng và trừ được nhiều vọng tưởng.