hội, hấp thụ được những sở trường của nó mà cũng đã đau khổ về những sở
đoản của nó. Tôi đã luôn luôn mang ơn về những sở trường, còn sở đoản
thì tôi đã chuyển ra thành sức mạnh cho tôi. Vì theo triết học Trung Hoa,
trong đời không có gì là họa, là phúc cả; họa là phúc mà phúc cũng là họa.
Hồi nhỏ người ta cấm tôi vô hí viện Trung Hoa, cấm tôi nghe hát Trung
Hoa và tôi không được biết chút gì về thần thoại cùng cố sự Trung Hoa.
Sau khi vô trường Nhà Dòng, thì tôi quên hết ít đoạn trong Tứ Thư mà ba
tôi đã dạy tôi. Như vậy có lẽ mà lại hay vì sau này khi đã hấp thụ một nền
giáo dục hoàn toàn Âu Tây, tôi nghiên cứu lại cựu học với một tinh thần
mới mẻ và với những hứng thú của một thanh niên phương Tây khám phá
được những cái kì diệu của phương Đông.
Tới thời thiếu niên – tuổi đó thường là mộ đạo nhất – bỗng phát ra một sự
xung đột giữa lòng tôi và óc tôi: lòng tôi thì cảm thấy những cái đẹp của Ki
Tô và óc tôi thì muốn lí luận về mọi sự. Cũng lạ là tôi không bao giờ bị
giày vò, thất vọng như Tolstoi mà đến nỗi xuýt muốn tự tử. Trái lại, trong
một giai đoạn, tôi thấy mình là tín đồ của một đạo Ki Tô giáo thống nhất,
sống hòa hợp với tín ngưỡng, chỉ hơi khoáng đạt, tự do hơn các tín đồ khác,
chấp nhận ít giáo điều hơn họ. Vả chăng lúc nào tôi cũng có thể suy nghĩ
lại về bài thuyết giáo trên núi. Những câu như: “Các con hãy coi những
bông huệ trong ruộng”, ý tưởng đẹp quá, nên thơ quá, tất phải là đúng. Do
đó mà tôi ý thức được một đời sống Ki Tô giáo trong nội tâm, nó làm tăng
nguồn sinh lực của tôi lên.
Còn những giáo nghĩa thì nó trốn đi đâu mất một cách đáng kính, và nhiều
cái thiển cận làm cho tôi phát chán. Tín điều “nhục thể phục hoạt” trong
giáo nghĩa đã bị bác bỏ từ lâu, vì ở thế kỉ thứ nhất, người ta không thấy
Chúa giáng lâm lần nữa, mà xác của các thánh đồ nằm yên trong mộ chứ
không sống lại; vậy mà điều đó vẫn y nguyên còn nằm trong bộ “Tín điều
của Thánh đồ” (Symbole des Apôtres). Đó là một trong những cái thiển
cận tôi kể làm thí dụ.