loài người quí hơn loài vật ở những điểm này: biết tò mò một cách không vị
lợi, có xu hướng tự nhiên tìm hiểu tri thức, có khả năng mộng tưởng, hoài
bão một lí tưởng cao, mà cũng có khả năng (rất quan trọng) dùng tinh thần
hài hước và tinh thần thực tế mạnh mẽ để kiểm chứng mộng tưởng mà hãm
bớt lí tưởng lại. Sau cùng, có khả năng không phản ứng với hoàn cảnh như
một cái máy mà biết tính toán, quyết định những phản ứng của mình, cải
biến hoàn cảnh theo ý mình. Nói cách khác, con người là một sinh vật tò
mò, mơ mộng, hài hước và ngông.
Tôi thấy thế giới ngày nay nghiêm trang quá, cho nên cần có một triết lí
sáng suốt và vui vẻ. Nghệ thuật sống của người Trung Hoa đáng được gọi
là một “triết lí vui vẻ”, như Nietzsche đã nói. Chỉ một triết lí vui vẻ mới
thật là sâu sắc, mà những tư tưởng gia nghiêm trang của phương Tây chưa
bắt đầu hiểu được thế nào là đời sống. Theo tôi, nhiệm vụ của họ phải là
dạy cho chúng ta nhìn đời một cách phù phiếm hơn, vui vẻ hơn phần đông
những nhà kinh doanh, vì nhà kinh doanh nào, tới tuổi năm mươi, có thể
nghỉ ngơi được mà không nghỉ ngơi thì tôi cho là không có tinh thần một
triết nhân. Đó là một quan điểm căn bản chứ không phải là một lời nói
phiếm ngược đời đâu. Chỉ khi nào nhân loại có cái tinh thần vui vẻ nhẹ
nhàng đó thì thế giới mới hòa bình, hợp lí được. Người thời nay coi đời là
nghiêm trang quá, cho nên thế giới mới xáo động như vậy. Vậy tìm nguồn
gốc thái độ triết lí đó nó làm cho ta hưởng được lạc thú ở đời, phát triển
được một tính tình yêu hòa bình hơn, hợp lí hơn, bớt cuồng nhiệt đi, không
phải là một việc tốn công vô ích.
Tôi cho triết lí đó là triết lí Trung Hoa, chứ không phải triết lí của một phái
nào, vì nó vĩ đại hơn cả Khổng giáo, Lão giáo, nó vượt lên trên cả hai phái
đó và tất cả các triết gia thời cổ, nó mượn tư tưởng của những nhà đó rồi
dung hòa cả lại thành một đại thể, và từ những tư tưởng minh triết trừu
tượng của họ, nó tạo nên một nghệ thuật sống mà bất kì ai trong hạng