chúng ta mới được yên ổn, không bị quấy rầy để tự do suy nghĩ về cái “tinh
thần” hoặc cái “ tinh túy” của mình.
5. ĐỜI SỐNG LÀ MỘT BÀI THƠ
Tôi cho rằng về phương diện sinh lí, đời sống con người không khác chi
một bài thơ. Nó có vần luật, tiết điệu, có những chu kì thịnh suy của nó.
Mới đầu là tuổi nhỏ ngây thơ rồi tới tuổi xuân vụng về, rán thích ứng với xã
hội, nhiều nhiệt tình, nhiều tham vọng, dại dột mà có lí tưởng; tiếp tới một
tuổi hoạt động kịch liệt, rút được nhiều kinh nghiệm trong xã hội và về bản
chất con người; tới tuổi trung niên, hoạt động giảm đi, tính tình dịu đi, như
một trái cây đương chín hoặc một thứ rượu ngon đã hết nồng, đối với nhân
sinh lần lần có một quan niệm khoan dung hơn, ôn hòa hơn, nhưng cũng
ngạo nghễ hơn, “bất chấp” hơn; rồi tới khi bắt đầu xế bóng, các hạch nội
tiết hoạt động giảm đi, chúng ta mới thật là có được cái triết lí của tuổi già,
cái tuổi hòa bình, ổn định, nhàn dật mà mãn nguyện; sau cùng, sinh mệnh
tàn lụi và ta ngủ một giấc vĩnh viễn. Đáng lẽ, người ta phải nhận được cái
đẹp của những nhịp điệu đó trong đời sống như nhận được cái đẹp trong
những bản đại hòa tấu chứ; nhận được chủ đề, những chỗ gấp, chỗ khoan
cùng chỗ hòa âm cuối cùng của nó. Sự tiến triển của các chu kì trong một
đời sống bình thường thì đại thể là như vậy; nhưng bản nhạc của đời cũng
do cá nhân diễn tấu nữa. Một vài người tấu vụng, nhiều âm không điều hòa,
mỗi lúc một lớn mãi lên, át hẳn cả điệu chính, có khi còn làm cho khúc
nhạc phải nhưng lại và người đó phải nhảy xuống sông hoặc bắn một phát
súng vào đầu mình. Chỉ tại những người đó thiếu sự giáo dục, chứ bình
thường thì đời người phải tiến trong một một cuộc vận chuyển rất mực
nghiêm túc.
Ai cũng phải nhận rằng đời người từ tuổi thơ, tuổi tráng niên tới tuổi già là
một sự hòa hợp mĩ mãn, cũng như ngày thì có buổi sáng, buổi trưa và buổi