Lâm Ngữ Đường
Một Quan Điểm Về Sống Đẹp
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG III
DI SẢN ĐỘNG VẬT TÍNH TRONG TA
1. CON KHỈ TRONG TÂY DU KÍ
Quan niệm của khoa sinh vật học trình bày ở chương trên giúp chúng ta
nhận định được cái đẹp và cái tiết điệu của đời sống mà cũng cho ta thấy
rằng năng lực của ta có hạn. Nhớ rằng mình là dòng dõi của giống người
Néanderthal hoặc giống người Bắc Kinh, và xa hơn nữa, của loài vượn hình
người
thì chúng ta sẽ có một ý thức về cái hài kịch của loài người, nghĩa
là thấy những tinh ranh của loài người thì biết tán thán mà thấy những tội
lỗi khuyết điểm của loài người thì biết mỉm cười, khoan dung. Đọc tập luận
văn rực rỡ “The Simian World” (Thế giới người vượn này) của Clarence
Day, chúng ta có thể tha thứ cho mọi người, tha thứ các nhân viên kiểm tra
kiểm duyệt, các nhà tuyên truyền, các nhà xuất bản phát xít, các xướng
ngôn viên trên đài phát thanh Quốc Xã, các nghị viên, lập pháp ủy viên, các
nhà độc tài, các nhà chuyên môn kinh tế, các đại biểu dự các hội nghị quốc
tế và tất cả các ông bự muốn can thiệp vào đời sống của người khác. Chúng
ta có thể tha thứ cho họ được vì chúng ta đã bắt đầu hiểu họ.
Nghĩ vậy, tôi càng khen cái tinh khôn và cái kiến thức của con khỉ trong
Tây Du Kí. Sự diễn tiến của lịch sử nhân loại giống với cuộc hành trình qua
Tây Thiên của những động vật nửa người nửa thú trong truyện đó. Con khỉ
Tôn Ngộ Không tượng trưng sự thông minh của loài người; con heo Trư
Bát Giới tượng trưng cái phần bẩm tính thấp nhất của chúng ta, Sa Họa
thượng tượng trưng cái lẽ phải thông thường; còn Huyền Trang pháp sư
tượng trưng trí tuệ và thánh đạo. Pháp Sư được bọn tùy tòng kì quái đó hộ
vệ, từ Trung Hoa qua Tây Trúc thỉnh kinh. Lịch sử tấn bộ của loài người y