Vào cuối giai đoạn học chuyên ngành, trường đại học từ chối tiếp tục
cấp học bổng nhưng đưa ra một giao kèo mà bà Berlington gọi là “sự trao
đổi có đi có lại”, cụ thể là hợp tác với bộ phận pháp lý trong vai trò thực tập
sinh-trợ lý (bộ phận pháp lý chỉ có mỗi bà Berlington) và đổi lại cô được trả
năm đô la mỗi giờ làm việc, bảo hiểm y tế và chỗ ở. Milly nhận lời ngay lập
tức. Không phải vì thích công việc, tất nhiên cũng không phải vì đồng
lương, mà để được tiếp tục đến trường. Nơi đây đã có những dấu mốc và
những thói quen của cô từ ngày đi học.
Hôm nay cũng vậy, Milly thích ăn sáng ở quán cà phê Tuttleman, băng
qua bãi cỏ rộng lúc 8h53, đi ngang qua thư viện Gutman lúc 8h55 trước khi
vào tòa nhà hành chính nơi ngày làm việc của cô bắt đầu lúc 8h57. Vào 1
lh50, cô đặt một chiếc bánh kẹp bò hun khói cho bà Berlington qua mạng.
Lúc 12hl0, cô lại băng ngang bãi cỏ tới quán cà phê Kambar Campus
Center, lấy bánh cho bà Berlington và một hộp xa lát mùa xuân cho cô, rồi
khi trở lại văn phòng cô đi đường ven để lại qua trước cửa thư viện. Cô ngồi
ăn trưa đối diện với sếp và trở lại bàn làm việc lúc 12h30. Đến 15h55 cô cất
cuốn sổ ghi những gì bà Berlington đã đọc cho cô viết vào ngăn kéo bàn làm
việc, trên cuốn sổ đó cô đặt một khung ảnh bằng kim loại màu bạc với bức
hình chụp bà cô đang mỉm cười, vặn một vòng ổ khóa ngăn kéo trước khi ra
về lúc 16h.
Lần đi qua khu học xá cuối cùng trong ngày cũng là lần đến bãi để xe
nơi Milly lấy vật duy nhất chứng tỏ cô không phải một nhân viên tầm
thường: một chiếc Oldsmobile mui trần đời 1950, vốn thuộc sở hữu của bà
cô, bà đã tặng nó cho cô vài năm trước khi cô rời Santa Fe. Chiếc xe được
cô chăm sóc tỉ mỉ như một nhà sưu tầm đó lúc này phải có giá khoảng tám
mươi nghìn đô la. Nó được xuất xưởng Oldsmobile trước cả khi cô chào đời
tới ba thập kỷ, đó thực sự là món bảo hiểm trọn đời trong trường hợp cô gặp
khó khăn. Cuộc sống vào thời kỳ đầu mới bước sang tuổi ba mươi mốt hoàn
toàn phù hợp với mong muốn của cô.