2.
Bà từng thề rằng đêm nay sẽ là đêm cuối bà ở đây, và trong khi xem xét
lại kế hoạch một lần cuối cùng, bà tự hỏi cuộc sống bên ngoài bây giờ ra
sao. Bà đã lỡ biết bao nhiêu chuyện. Truyền hình và báo chí dường như là
sợi dây liên hệ với cuộc sống hiện đại, nhưng đã từ lâu bà cũng chẳng còn
động tới, bà trốn trong những cuốn sách mượn ở thư viện. Bà biết cách bỏ
qua toàn bộ hoặc gần như toàn bộ thế giới mà giờ đây bà sắp sửa quay trở
lại.
Bà gập cuốn sổ và cố nhớ lại cái ngày bà bắt đầu viết những dòng đầu
tiên. Ngày hôm sau đêm Giáng sinh, có thể cách đây chín hay mười năm,
làm sao mà nhớ được chứ? Càng lặp đi lặp lại cùng những thứ đó, cùng
những cử chỉ đó, chịu đựng những nếp quen bất di bất dịch, thì rốt cuộc mọi
thứ càng lẫn lộn hết cả. Cuộc sống của bà được cải thiện sau khi chuyển trại
và sau cái bữa tối Giáng sinh với đôi chút màu sắc lễ hội. Hôm đó có món
bánh ngọt pha chút rượu Rhum, một món bánh có cái tên kỳ quặc, giống
như tiếng bụng sôi, nhưng bà chẳng thể nhớ chính xác được nữa. Bà hẳn
phải ghi ngày tháng trên từng trang, trí nhớ cũng bỏ bà ra đi, ngay cả khi bà
cố gắng luyện trí nhớ mỗi tối trước khi chìm vào giấc ngủ.
Qua cửa sổ rào lưới sắt, bà ngắm nhìn quầng sáng màu cam phát ra từ
mấy cột đèn chiếu sáng khoảng sân và tưởng tượng mình nhập vai một trong
những nhân vật phim viễn tưởng từ quá khứ xuất hiện ở thế giới hiện đại với
bao nhiêu ngỡ ngàng. Ý nghĩ đó khiến bà thấy vui và bà cười một mình.
Bà cất cuốn sổ xuống dưới đệm, đi vệ sinh cá nhân rồi lên giường với
cuốn tiểu thuyết bắt đầu đọc từ hôm qua, trong lúc chờ đợi hiệu lệnh tắt đèn.
Khi còn trẻ bà vốn tự hào về vốn từ vựng phong phú thì giờ đây bà phải đối
mặt với nhiêu từ mà bà hoàn toàn không nắm được ý nghĩa. “Twitter” nghĩa
là gì nếu như không phải tiếng hót líu lo của một con chim sẻ ? Và vì sao
nhân vật nữ chính trong cuốn tiểu thuyết bà đang đọc lúc ra khỏi nhà hàng
lại giả tiếng chim để kể về bữa tối với một chính trị gia cư xử như kẻ thô lỗ?