Cẩm Hứa Chử là tướng cướp vùng Nhã Nam, một vùng nhiều rừng rậm
núi cao. Cẩm Hứa Chử xuất thân là con nhà nho. Thuở nhỏ đã được theo
đòi nghiên bút để trau dồi đạo lý của thánh hiền, nhưng Cẩm rất tối dạ, học
trước quên sau, không bao giờ thuộc bài, suốt đời phạt mài son mực cho
ông đồ và quét nhà. Cẩm không lấy đó làm hổ thẹn và không chịu cố gắng.
Học bao nhiêu năm dốt vẫn hoàn dốt.
Cha mẹ Cẩm thấy con kém thông minh cũng buồn lắm nhưng cũng
không làm gì được, vì ông đồ có muốn nhét chữ vào đầu óc Cẩm, Cẩm
cũng không nhớ. Có lần nổi nóng, ông đồ đã bảo Cẩm:
- Học hành như mày, sau này có đi mà ăn cướp. Người ta thì văn hay chữ
tốt cướp khôi nguyên của nhà vua, thì mày đi ăn cướp của thiên hạ.
Nghe ông đồ mắng vậy, Cẩm không lấy làm oán và cũng không lấy làm
thẹn. Cẩm tự nghĩ:
- Ăn cướp càng đỡ phải làm lụng, cứ việc đến nhà người khác lấy tiền
của về tiêu, đồ đạc về dùng, tiện lắm. Ăn cướp mà xấu hay sao? Xưa kia
Tống Giang đi ăn cướp ở Lương Sơn Bạc chẳng oai hùng chán à? Vua tôi
nhà Tống chẳng thất điên bát đảo với Tống Giang là gì? Ấy thế mà Tống
Giang lại được cái hãnh diện kéo cờ đề bốn chữ “Thế thiên hành đạo”! Ăn
cướp như vậy cũng đáng là ăn cướp. Vả chăng đã chắc đâu ăn cướp là kẻ
cướp và những người không ăn cướp chẳng là kẻ cướp như bọn cướp ngày
vậy.
Cẩm cứ tối dạ, cứ phải mài mực, mài son, quét nhà và chịu đựng những
lời sỉ vả của ông đồ, cho đến một hôm trong buổi học Cẩm gây lộn với anh
trưởng tràng.
Trong các lớp học của các ông đồ ngày xưa, người học trò học bậc cao
nhất là trưởng tràng; trưởng tràng giúp ông đồ để dạy bảo các trò kém và
thay thế ông đồ những khi ông đồ vắng mặt. Tại gia đình, quyền huynh thế
phụ, thì tại lớp học, trưởng tràng thế sư!
Ấy thế mà Cẩm đã gây lộn với trưởng tràng. Nguyên hôm đó, cũng như
mọi ngày, trưởng tràng phải thay ông đồ để dạy Cẩm và mấy trò kém khác.
Các trò kia đã học xong, còn Cẩm vẫn lai nhai mấy chữ không thuộc. Anh