TIẾNG RAO TRONG LÒNG PHỐ
K
hông hiểu sao, mỗi lần nghe bài hát “Tiếng rao” của nhạc sĩ Võ Thiện
Thanh với những câu buồn da diết như xát muối vào lòng: “Có tiếng rao
như lời mẹ tôi, như lời chị tôi. Mang quê hương trên đôi vai gầy. Những
trái ổi xẻ, những trái me, đậu phộng luộc, đòn gánh tre. Ai mua, ai không
mua, ai mua? Chỉ có tiếng lũ trẻ: Tí ơi chua không, Tèo ơi có đắng không?”
tôi lại cứ đoan chắc với lòng mình rằng, bài hát ấy được viết cho Hà Nội,
trong một đêm đông vắng lặng chứ không phải viết về một Sài Gòn nóng
nực và đông đúc. Nghĩ thế, rồi vẫn biết rằng mình vô lý. Chỉ tiếc rằng,
dường như chưa có một bài hát, một bài thơ nào viết về những tiếng rao
của Hà Nội khiến người đọc, người nghe phải nhớ?
Nếu là một nhà làm phim, tôi sẽ cầm máy quay, lang thang khắp các phố
phường, ngõ ngách chỉ để ghi lại những tiếng rao ở Hà Nội. Chắc chắn,
chẳng cần thêm những lời bình luận cầu kì thì bản thân những tiếng rao đã
là một câu chuyện rất sinh động, hấp dẫn về một bộ phận, một lát cắt của
Hà Nội.
Này nhé, từ mờ sáng tinh mơ, những tiếng rao xôi nóng, bánh mì như
đánh thức cả Hà Nội dậy. Hà Nội còn ngái ngủ, Hà Nội còn mệt mỏi hay
đói bụng sau một đêm ngon giấc hoặc thức trắng vì công việc, tiếng rao đã
báo hiệu một ngày mới đến, một vòng sôi động nữa bắt đầu. Và từ tiếng rao
ấy, chỉ ít phút sau thôi, cả Hà Nội ầm ầm hối hả, nhộn nhịp náo nhiệt đến
mức, tiếng rao như đã chìm nghỉm như chưa bao giờ xuất hiện.