Song, dường như biết phận mình nhỏ nhoi, những tiếng rao chẳng hề ấm
ức mà luôn biết lùi đúng lúc, xuất hiện đúng lúc. Bởi vì, đó là cách để mưu
sinh, để tồn tại của những người bán hàng hoặc làm dịch vụ nhỏ lẻ, cả gia
sản có khi chỉ là chiếc thùng nhỏ, chiếc mẹt, cái thúng sau lưng, trên vai.
Bởi người Hà Nội vẫn cần những tiếng rao, cho dù giờ đây ra ngõ là đã gặp
cửa hàng, đi dọc phố là có thể vào siêu thị, xuống chân cầu thang là có thể
mua bất cứ thứ gì tại trung tâm thương mại. Tiếng rao như một tiếng lĩnh
xướng cho bản hợp âm phố phường hòa nhịp vào sáng sớm, nhưng cũng
như những dấu lặng giữa đêm khuya tĩnh mịch để kết thúc một ngày dài.
Nếu kể lịch sử tiếng rao, thì chắc chắn nhiều người Hà Nội xưa còn nhớ,
có những tiếng rao trở thành bài vè in sâu vào kí ức. Chẳng hạn:
- Kẹo kéo càng kéo càng dài/ Càng dai càng ngọt/ Chạy tọt về nhà/ Xin
bà một xu/ Xin bu một hào/ Ra mua kẹo kéo/ Ai kéo... đây!
- Kẹo kéo vừa dẻo vừa ngon/ Mua hào kẹo kéo cho con nó mừng/ Ai
kéo... đây!
Hoặc:
- Ai mài dao sắc như nước, chém nước nước đứt, chém sắt thì mẻ dao. Ai
mài dao nào...