XÔI SẮN ĐẦU ĐÔNG
C
ơn gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về kéo theo những đợt mưa đông
rét buốt. Những thân sắn gân guốc rụng trơ cẳng khẳng khiu quanh bờ rào
chao đảo ngả nghiêng. Mẹ bảo: “Đến lúc rồi”. Ấy là khi nhà tôi “vào mùa”
xôi sắn.
Sắn trồng rất dễ. Chọn hôm mưa mát trời, cắm vài đoạn hom xuống đất
mềm ẩm, vài ngày sau đã thấy trồi mầm. Cây sắn cứ lấn từng đốt một mà
lên, lẩn vào những găng, những dâu, những cúc tần và cả những cây vô
danh ở hàng rào, bạc thếch bụi đường. Chả biết có phải đất đỏ là đất sắn
không, nhưng chẳng hàng luống gì, chẳng chăm bón gì, nhưng khi cần nấu
xôi, bé lon ton như tôi ra nắm lấy thân cây sắn, hăm hở lay một hồi là củ
ngang củ dọc đã bật hết cả lên. Gặp những chỗ đất tốt, nhiều mùn, củ sắn to
như bắp đùi, tôi vác lặc lè như vác con lợn con vậy. Cầm con dao mỏng,
khẽ xoáy những vòng xoắn dọc theo thân củ, tách nhẹ là lớp vỏ xù xì, đỏ
quạch đất ba dan bong ra, thịt sắn trắng nõn nà, nạc sần sật. Cứ một giống
sắn ấy gây trồng từ năm này qua năm khác nên sắn nhà tôi rất bở và ngon.
Cắt ngang sắn thành những khoanh tròn rồi, phải ngâm sắn vào chậu nước
trong cho bớt nhựa, “chả ăn ngay vì độc lắm”, mẹ tôi bảo vậy.
Xong “công đoạn” sắn là đến việc chuẩn bị chõ đồ xôi. Nhà đông con
nên mẹ đã sắm sẵn một chiếc chõ rất to. Gạo nếp, đỗ xanh thì đã ngâm sẵn
với nước dừa từ trước. Kể ra ngâm được với nước dừa non thì ngọt và thơm
hơn, nhưng gió mùa đông bắc rét như cắt, lại thổi phần phật thế, mẹ không
dám cho tôi mạo hiểm leo chót vót lên tận ngọn cây dừa để hái quả. Tôi thì
vẫn tự hào lắm mỗi khi trèo lên đến ngọn cây cao hơn cả nóc nhà, nhìn
xuống thấy cả nhà đang xuýt xoa trầm trồ “Đúng là chuột có khác, leo trèo
giỏi quá”. Ngồi trên các bẹ lá, tôi đạp từng quả dừa non xuống, hét mọi
người tránh ra như chỉ huy một đoàn quân... tránh đạn. Chẳng phải là đạn,
mà là bom, bom thật. Vì quả dừa vừa to vừa nặng, rơi trúng đầu ai chỉ có