nhỏ ra cho bằng hến. Mỗi bát bún chan nước chỉ được xúc một thìa thịt hến
thôi, ai cũng tự hiểu ngầm với nhau như thế và ai cũng chấp hành nghiêm
chỉnh. Nhưng tôi thì láu cá. Tôi cố tình gắp ít bún đi để ăn được nhiều bát
hơn, được xúc nhiều thịt hến hơn. Giá kể là đứa khác thì bị chị tôi lườm
cho cháy mặt. Song tôi là con út, lại gầy gò ốm yếu nhất nên chẳng ai nỡ tị
hiềm. Thế rồi, bữa ăn cũng kết thúc nhanh lắm, chỉ còn lại chiếc rổ rỗng
không và cái nồi cạn trơ đáy. Hết rồi mà môi lưỡi vẫn tóp tép thèm. Giấc
ngủ trưa ấy đẫy căng, không mơ ước, chẳng còn mộng mị. Để buổi chiều
đến sớm của mùa đông, cái dạ dày chăm chỉ của những đứa con nhà nghèo
lại quay trở về với điệp khúc buồn tẻ của canh rau cải thìa nấu suông, bắp
cải luộc chấm cà chua chưng ăn với cà bát xào mặn chát. Suốt cả tuần
mong chóng qua mau, qua mau để sáng chủ nhật lại được nghe thấy tiếng
rửa hến lạo xạo, được thò tay, tặc lưỡi khen chê lứa hến này gầy hay béo,
chắc thịt, đặc ruột hay nhiều cát, lắm bùn...
Rồi cũng chẳng biết tự bao giờ, bún hến biến mất trong thực đơn mỗi
sáng chủ nhật của nhà tôi. Mất một thời gian dài, chủ nhật là những ngày
buồn chán nhất vì chẳng có gì khác ngày thường. Rồi chủ nhật bún chả, chủ
nhật bún ngan, chủ nhật thịt gà rang, chủ nhật xôi chim... không biết bao
nhiêu chủ nhật trôi qua với bao mùi vị khác nhau. Riêng tôi, chỉ mỗi những
chủ nhật mùa đông bún hến là còn thấy tanh tanh, ngọt ngọt và thơm lừng,
nóng bỏng lưỡi mỗi khi nhớ về, da diết.