MÙA TRÔI TRÊN QUANG GÁNH - Trang 60

là dịp mùa đông, cuối năm người ta xây dựng nhiều, có khi còn phải làm cả
đêm. Nhưng lương thì chẳng thấy đâu, vài tháng mới có tạm ứng một lần.
Công nhân đập đá bằng tay, gánh đá bằng vai lương thấp, mỗi lần tạm ứng
chỉ đủ mua vội vài chục cân khoai độn với sắn lát ăn cho no bụng để lấy
sức đập đá. Mẹ tôi là kĩ sư, lương cao hơn, tạm ứng cũng được nhiều hơn
một chút, lại có bà nội ở quê gửi gạo lên cho nên vẫn còn có cơm mà ăn.
Cơm ăn với rau, thế cũng là hạnh phúc. Bún hến vào mỗi chủ nhật còn là
hạnh phúc hơn nhiều so với những đứa cùng lứa tuổi. Thế là, cứ nghe tiếng
rửa hến xào xạo của chị tôi, đứa nào đứa nấy phải bật dậy ngay, dụi mắt
toét nhèm, ngồi chầu hẫu chờ đợi.

Nồi luộc hến to đại sau khi chắt nước sang một bên, bốc khói nghi ngút.

Cả lũ xúm vào nhặt. Ban đầu thì tranh nhau những con hến to, sau hến bé
dần, bé mấy cũng phải nhặt cho bằng hết. Oải nhất là những hôm vớ phải lũ
hến con lít nhít, ngồi ngâm chân mấy tiếng đồng hồ như cô Tấm nhặt thóc.
Người bán hến bày cách cho hến vào rổ, bỏ vào chậu nước, khoắng lên, thịt
hến nhỏ lặn xuống dưới, vỏ hến to ở trên, chỉ việc đãi bốc một lúc thì nhanh
hơn nhưng chị tôi kiên quyết không làm. Bởi lẽ, hến đã luộc rồi, cho vào
nước lã thì nhạt hoét, mất hết chất đạm. Cứ thịt hến ra một bát, còn vỏ hến
quẳng vào cái chậu nhôm. Thường thì chúng tôi còn chí chóe tranh những
mảnh vỏ hến đẹp để làm đồ chơi. Đặt một chiếc đinh nhọn vào giữa vỏ hến,
ghè hòn đá lên, chiếc vỏ hến tách làm hai, vứt phần cuống đi, chỉ còn phần
lưỡi như mảnh trăng khuyết, lấy hai mảnh trăng khuyết ấy ngoắc vào nhau,
mảnh của đứa nào gẫy trước coi như thua. Về cơ bản trò này cũng giống
như chọi cỏ gà, ngoắc hoa phượng, nhưng nguy hiểm hơn bởi lẽ mảnh hến
sắc và nhọn, đứt tay chảy máu là chuyện thường. Tuy vậy, trong hoàn cảnh
khốn khó ấy, có thịt hến để ăn, có vỏ hến để chơi cũng đã là tốt lắm rồi.

Trong lúc chúng tôi gò lưng nhặt hến thì chị tôi đi chần bún. Không phải

là bún tươi bán ngoài chợ. Làm gì có tiền mà ăn loại bún ấy. Bún ấy cũng
chẳng dai ngon như bún khô. Vùng tôi có nghề làm mì, miến. Chỗ tôi ở là
thị trấn, đa phần là cán bộ, công nhân. Nhưng đi sâu vào một chút là làng
mạc, gần người dân tộc, chỗ nào cũng thấy chăng sào phơi bún, mì, miến.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.