không dám lạnh tay, lạnh lưng, vì biết chắc rằng một đôi giày mới còn khó,
làm sao dám mong áo mới, quần mới. Chả biết “lo nghĩ” thế nào, tôi ốm
thật. Khật khừ, ủ rũ. Đến nỗi chị tôi bảo: “Quen nghe nó hét rồi, giờ cứ
thấy buồn buồn”.
Buổi học cuối cùng. Mai là được nghỉ Tết rồi. Tôi biết chắc rằng thế nào
cũng có rất nhiều đứa cố nài bố mẹ cho diện trước đồ Tết. Tôi chui sâu đầu
vào chăn, ai gọi cũng chỉ khẽ cựa quậy, lí nhí: “Mệt lắm”, chỉ mong được
yên thân, nghỉ hẳn buổi học đau khổ này.
“Cứ để cho nó ngủ. Đi hài công chúa mà thò lò mũi thì xấu chết”, không
biết vô tình hay cố ý câu nói của mẹ lại vẳng đến tai tôi. Tôi hé chăn nhìn
ra, thấy các chị đang nâng niu một đôi giày, đúng loại giày giống của cái
Loan, cái Huyền. Đôi giày màu tím, đúng màu tôi thích. Chẳng sợ ngượng
ngùng, chẳng sợ chê bai gì nữa, tôi vùng dậy, vồ lấy đôi giày, xỏ ngay vào
chân, chạy vèo đi, quên cả rửa mặt. Đôi hài tím có chiếc nơ óng ánh như
vàng làm đôi chân tôi ấm sực, không sợ dẫm lên sương muối lạnh buốt
giăng hàng trên mạng nhện khắp các ngọn cỏ sườn đồi, không sợ vấp vào
đá đến bật máu nữa. Đôi hài làm lũ bạn nhìn tôi thèm dỏ dãi. Đôi hài làm
tôi lần đầu tiên thỏa mãn ước mơ được làm công chúa. Đôi hài khiến tôi
thật sự cảm nhận Tết đã đến rồi, đến từ ngay đôi chân mình. Tôi mặc sức
chạy nhảy như mùa xuân ủ trong chân mình đang trồi lên mãnh liệt.
Buổi trưa, tôi thập thễnh lê từng bước về nhà, đôi giày cất kín trong cặp
sách. Mười đầu ngón chân sưng phồng, mọng nước. Sau gót chân trầy trật
từng mảng da, rướm máu. “Đi giày vào cho mẹ ngắm tí nào, giữ gìn kĩ thế,
trong cặp có dao đâu”, mẹ túm lấy tôi, giọng giễu cợt nhưng đầy háo hức,
mắt hấp háy. Các chị tôi cũng chĩa cả mắt về tôi, vừa ghen tị vừa chờ đợi.
Tôi lôi đôi giày ra, xỏ vào chân, bấm bụng đi lại trước mặt mẹ và các chị,
cười méo xẹo.
2
Càng về cuối năm, trời càng rét âm u, tê tái, lại thêm những cơn gió mùa
đông bắc hanh hao thổi những chiếc lá ổi đỏ au cong veo, những chiếc lá
tre khô già bạc phếch chao xuống mặt ao lạnh ngắt. Ao ở gần sông. Cả năm