anh đùa thôi, chứ giàu có hẳn gì đã sướng sung. Thế mà anh gật đầu, vậy
cưới đi. Lần gặp mới đây nhất là đám cưới em, lần đó thì chỉ nhìn bâng quơ
thôi. Anh lăng xăng qua phụ làm rạp, chạy bàn, bưng đá, tiếp khách. Lúc
nào đưa mắt tìm anh, em cũng thấy anh ngó lơ chỗ khác. Lúc ấy, em đã tự
hứa với lòng mình sẽ mang vẻ mặt ủ dột thê lương này để nhìn anh đến hết
đời còn lại, coi thử lòng anh có tan nát hay không.
Nhiều năm sau nữa, em sợ em đã là người của phố. Mỗi sáng thức giấc
bằng tiếng đồng hồ khô khốc thay cho tiếng gà gáy sớm. Em cằn nhằn vì
đám xe cộ ồn ào trước cửa, rỉ rả về giá xăng tăng, chợ búa ồn ã và cô bán
hàng cân thiếu. Em bận rộn với những riêng tư của gia đình mình. Tưởng
tượng con cái em sẽ được nuôi dạy như bao đứa trẻ thành phố. Nó sẽ phân
vân giữa con trâu và con bò để gọi tên cho đúng. Sẽ chẳng biết rạ lúa, rơm
quê và mùi lúa trổ đòng thơm ngai ngái thế nào. Chẳng bao giờ biết lấy
cọng cỏ chơi đá gà, bắt dế chọi nhau hay lượm mấy cục đá mà chơi ô làng.
Nghĩ xa xôi vậy nên em thở dài, cái thở dài tưởng như ngàn cây số.
Chú thắc thỏm lo âu nhìn em, thấy vẻ xanh xao tưởng em ốm nghén. Em
thỏ thẻ, tại học làm người thành phố cũng khá vất vả. Hai chú cháu cùng
cười. Phía chân trời, hoàng hôn buông chậm rãi, nắng vắt ngang lưng
chừng núi. Bất chợt, em muốn hỏi về vùng trời đã ngủ yên trong tâm trí
chú. Có không một cô y tá người miền trong và cái nắm tay cuối cùng. Mắt
chú sáng lên rồi đột nhiên rưng rưng xúc động, chú thở dài:
- Đất trời rộng thênh, rứa mà…
Em từng nghĩ đất trời mênh mông nhưng ở phố một thời gian đã thấy
chật hẹp. Nhất là hôm ngồi sau lưng chồng, nghe chồng chỉ trỏ mấy tòa nhà
cao vợi vừa xây xong, thì ngược chiều vừa kịp thấy bóng anh lướt qua rất
nhạt. Em biết từ ngày chị Miên thành người của phố, mắt anh thôi hướng
về cồn mỗi khi chiều buông. Ngày xưa, mỗi chiều hai chị em đãi hến, khi
bắt gặp ánh mắt anh hay hướng về, em từng ngỡ nó dành cho em. Nên em
lại thêm một lần mơ tưởng nếu em thành người của phố, chắc anh mãi
trông về.