vắng người thì kề dao vào cổ mà lấy hết đồ đạc, tiền bạc đi. Em nghe mà
kinh hãi, cứ thắc thỏm bà ấy già rồi, già hệt như mệ, sức đâu mà lừa với lại
kề dao vào cổ. Chồng chìa những tờ báo rồi bảo em nên chăm chỉ vào
mạng đọc thông tin, ở thành phố mà ù ù cạc cạc như thế, mất nhà mất mạng
có ngày. Hóa ra ở phố, cái đắt đỏ nhất chắc chắn là niềm tin giữa người với
người. Hoài nghi luôn phải bày biện mọi lúc mọi nơi.
Phía nhà dưới có tiếng lục đục, phòng mẹ chồng còn sáng điện. Mẹ mở
cửa, ra sân ngồi và ngước lên. Hai mẹ con bắt gặp nhau trong ánh nhìn sâu
thẳm. Em khoác áo rồi đi xuống dưới, hỏi mẹ mất ngủ để em pha sữa. Mẹ
bảo không cần đâu, rồi quay qua em hỏi, hồi trước con nói quê con ở đó có
gần thị trấn Hồ không?
- Dạ, cũng khá xa mẹ ạ, nơi đó nằm cuối quê con. Mẹ có người quen ở
đó sao?
Mẹ nhìn mông lung vào chậu quỳnh hương trước mặt rồi thả từng chữ:
“Mẹ muốn về đó, tìm người ấy quá”. Em ngồi im nghe mẹ chồng kể
chuyện. Chú ấy cùng quê với mình, là bộ đội đóng quân trong này. Hồi ấy,
mẹ theo chân đơn vị đi khắp chiến trường, ngày nào cũng thấy anh em đổ
máu. Ở họ, sống chết chỉ trong phút chốc nên ai cũng quyến luyến cuộc
đời. Có người biết mình không qua khỏi thì muốn nghe mẹ hát, có người
muốn nghe mẹ ru, có người chỉ ấp úng muốn cầm tay mẹ vì chưa bao giờ
cầm tay con gái. Chú ấy là người đầu tiên cầm tay mẹ, cái cầm tay tưởng
như đầu tiên và cuối cùng của đời người nhưng thật kỳ diệu là chú vẫn
sống. Sau khi hồi phục, chú ngỏ lời thương mẹ. Giọng chú ấm lắm, nói
thương người ta mà cứ ngại ngùng. Vết thương đỡ hơn thì chú được chuyển
về tuyến dưới điều trị. Hai người vẫn thư từ với nhau một thời gian sau thì
mất liên lạc hẳn. Hòa bình, ông bà gọi mẹ về gả chồng, chứ làm gì có
chuyện chờ đợi và thương nhớ người ở đâu đâu.
Ba chồng thương mẹ nhưng biết rõ lòng mẹ hẳn có bận tâm nào khác nên
bận đó giận, ông tát mẹ một cái rồi đốt hết thư và ảnh của chú. Em khóc lúc
nào chẳng hay. Hèn gì, ngay hôm chồng đưa em về ra mắt, mẹ cầm tay em
và gật đầu, bảo cưới hỏi rồi về nhà này ở với mẹ luôn. Hóa ra là vì lòng