người tốt giúp đỡ vào khu chợ buôn bán. Lúc có thu nhập, anh gửi tiền về
trả nợ và nhờ Vũ chuộc lại nhà cửa.
Khi chợ bị đóng cửa, anh lại lao đao làm đủ việc để kiếm tiền. Quãng
thời gian cực nhọc để tồn tại nơi đất khách đã trở thành nỗi ám ảnh của
nhiều người. Có người kiệt cùng sức lực nên phải bỏ cuộc giữa chừng, có
người liều lĩnh quyết tâm như anh và Nguyệt. Nguyệt bảo lần đầu gặp anh
tự nhiên đã thấy thương, là thương như thân thuộc chứ không chỉ là sự cảm
thông của tình đồng hương nơi xứ lạ. Hai người cô đơn đến với nhau như lẽ
tự nhiên. Những ngày nhân nghĩa chồng vợ êm đềm thế mà kéo dài hơn
bốn năm. Mỗi lần Nguyệt gọi điện về nhà để cưng nựng con, thủ thỉ nhớ
thương với chồng, anh vẫn đang kê đầu trên đùi Nguyệt. Nguyệt bảo anh
hư lắm, mai mốt về cấm liên lạc, về tới Việt Nam thì phải xem nhau như là
xa lạ, anh làm được không.
Bao người làm được, sao mình không, cố thì được thôi. Nói vậy nhưng
anh nghĩ, sao sợi tình hệt như sợi chỉ, cắt được là cắt sao. Lúc đầu, anh vốn
khinh khi những người đàn bà như Nguyệt hệt cô vợ của anh, nhưng dần dà
thấy điều gì cũng có lý do của nó. Đời, ngay cả mình cũng dối lừa chính
mình trong suy nghĩ, lấy đâu ra. Cũng là cần nhau tạm bợ trong chừng ấy
năm tháng để giải quyết nhu cầu của cá nhân thôi mà, nghĩ thế cho nhẹ
lòng.
Nguyệt chăm bẵm anh như cô vợ cưng chồng, anh béo tốt ra là nhờ cô
ấy. Hôm sắp về, hai đứa rủ nhau đi chợ mua quà. Cô chọn áo cho chồng rồi
ướm vào người anh:
- Chồng em ngang vai anh.
Anh cười nhếch mép, tính nói gì đó nhưng nghĩ lại thôi, tất cả cũng chỉ
vá víu tạm thời.
***
Trước kia, anh suốt ngày lầm lũi, tay chân dính đầy dầu nhớt với mớ
máy móc và xe cộ. Vợ bảo anh có cái mác nhà quê chịu không thấu. Phải
ngày xưa, anh thấy rõ ràng mình khập khiễng bên cô vợ trẻ trung xinh đẹp.
Hàng xóm có người xầm xì, lo để ý vợ chứ cắm cúi làm cho lắm coi chừng