– Sắp bày đây, – Schellenberg trả lời. – Sao lại không nhỉ?
– Không một chiến dịch nào của chúng tôi có thể sánh với trò quỷ
quyệt của bên các ngài được đâu, – Stierlitz nói. – So với bên các ngài,
cánh chúng tôi còn thanh cao chán.
– So với tôi ư? – Müller ngạc nhiên. – Kể ra cũng thú vị khi được
người ta gọi mình là đồ quỷ sứ. Người đời chết đi còn lưu danh tiếng lại.
Thế thì cứ để cho quỷ sứ lưu danh đã chết ai.
Müller thân mật vỗ vai Schellenberg với Stierlitz, rồi rẽ vào phòng
làm việc của một cộng sự bên y; y thích bước vào phòng làm việc của họ
mà không báo trước, nhất là giữa những buổi hỏi cung chán ngắt.
Khi vào những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh, Hitler cứ nhắc đi
nhắc lại như một lời thần chú, rằng vấn đề đổ vỡ của liên minh Anh – Mỹ –
Xô chỉ còn là vấn đề một vài tuần, khi hắn thuyết phục tất cả đồng bọn rằng
sau thất bại có tính chất quyết định, phương Tây sẽ phải lạy lục người Đức
giúp đỡ họ, thì nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là một biểu hiện tính cách của
Quốc trưởng – tin tưởng đến cùng vào cái đã được óc tưởng tượng đầy khát
vọng bệnh hoạn của hắn tạo nên. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Hitler
cố dựa vào các sự kiện sau đây: cơ quan tình báo của Bormann, bỏ qua
tuyến của Himmler và Ribbentrop và ngay cả đến ngành tình báo quân sự
của Canaris, viên đô đốc đã có hành vi phương hại nghiêm trọng tới tổ
chức của mình. Ngay từ giữa năm 1944, ngành tình báo của Bormann đã
săn được một tài liệu tối mật ở Luân Đôn. Đặc biệt là trong tài liệu ấy có
mấy dòng như sau: “Thảm họa khủng khiếp hẳn là sẽ xảy ra, nếu như chế
độ dã man của nước Nga thủ tiêu được nền văn hóa và độc lập của các quốc
gia châu Âu cổ đại”. Trí nhớ kỳ lạ của Hitler lập tức đưa hắn trở lại thời kỳ
1936, ở Nuremberg, tại đại hội của đảng Quốc xã Đức. Tại đại hội đó.
Hitler đã nói: “Nếu các phương pháp của bọn Bolshevik thành công, nền
văn hóa châu Âu sẽ bị thay bằng một chế độ dã man nhất có thời đã tồn tại
trong lịch sử”.