chống lại Quốc trưởng, chống lại hệ tư tưởng của chúng tôi.
– Nhưng đâu là căn nguyên, còn đâu là hậu quả? Vì sao xuất hiện cơn
phẫn nộ của dân tộc, và cơn phẫn nộ của dân tộc có phải là yếu tố tất yếu
của cái chế độ mà ông đang tô son điểm phấn hay không? Nếu phải, thì cơn
phẫn nộ ấy trở thành nhân tố tích cực độc lập từ bao giờ. Đó không phải là
cơn phẫn nộ, mà là phản ứng trước cái ác. Nếu phẫn nộ là cơ sở của các
ông, nếu cơn phẫn nộ là căn nguyên của các ông, còn tất cả những cái còn
lại đều là hậu quả, tóm lại, nếu các ông dùng cái ác làm nguyên nhân, thì tại
sao ông lại còn muốn thuyết phục tôi rằng cái ác là lợi ích?
– Không phải thế, “cái ác” nói theo lời của ngài, còn tôi nói “lòng căm
phẫn của dân tộc”. Lòng căm phẫn của một dân tộc lần đầu tiên sau bao
nhiêu năm phải chịu đựng hiệp ước Versailles nhục nhã, dưới ách áp bức
của bọn chủ nhà băng và thương gia Do Thái, được hưởng cuộc sống thanh
nhàn. Dân tộc nổi cơn phẫn nộ, khi một kẻ nào đó, dù là Đức cha linh hồn,
mưu toan gieo rắc nghi ngờ đối với những thành tựu vĩ đại mà đảng chúng
tôi, dưới sự dẫn dắt của Quốc trưởng vĩ đại, đã đem lại cho dân tộc.
– Hay lắm... Sống thanh nhàn và cắn xé lẫn nhau là một ư?
– Chúng ta đánh nhau chỉ là để bảo đảm không gian sinh tồn cho
mình.
– Thế giam giữ một phần tư dân tộc trong các trại tập trung – đó là lợi
ích hay chính là cái cuộc sống hài hòa mà vì nó tôi phải hy sinh cả cuộc đời
tôi?
– Ngài nhầm rồi, các trại tập trung của chúng ta làm gì giam giữ tới
một phần tư dân số. Nhân tiện, cần nói thêm rằng các trại tập trung không
phải là công cụ thủ tiêu – chẳng qua chỉ là do ngài sử dụng các nguồn tin
của kẻ thù đấy thôi. Hơn nữa, ngoài cổng mỗi trại tập trung đều có khẩu
hiệu: “Công việc làm cho con người trở nên tự do”. Ở các trại tập trung,
chúng tôi giáo dục những con người lầm đường lạc lối, còn những kẻ
không phải lầm đường lạc lối mà là kẻ thù của chúng tôi, thì dĩ nhiên sẽ bị
thủ tiêu.