– Thưa, tôi không được rõ.
Kaltenbrunner gọi viên thư ký vào và bảo:
– Anh hãy tìm hiểu xem Stierlitz ở Vụ VI có nằm trong số những
người được phép tiến hành chiến dịch “Schwarzfire” hay không.
Khi viên thư ký bước ra, Kruger hiểu rằng mình đã đưa Stierlitz ra
hứng đòn quá sớm, bèn rút lui:
– Tôi xin chịu toàn bộ lỗi lầm, – y nói tiếp, đầu cúi gầm, cố nặn ra
những câu nói thiểu não, – Tôi sẽ rất đau lòng, nếu ngài trừng phạt Stierlitz.
Tôi vô cùng kính trọng ông ta, vì đó là một chiến hữu trung thành. Tôi
không có gì bào chữa, và tôi chỉ có thể chuộc lỗi của mình bằng cách đổ
máu ngoài chiến trường.
– Thế ai sẽ chiến đấu với kẻ thù ở đây? Tôi à? Một mình tôi chắc?! Hy
sinh cho Tổ quốc và vì Quốc trưởng ở ngoài mặt trận thì đơn giản quá!
Sống ở đây, dưới những trận oanh tạc, tiễu trừ sạch sành sanh mọi trò xấu
xa, tội lỗi mới là chuyện khó! Ở đây vừa cần lòng dũng cảm, vừa cần trí
thông minh! Phải hết sức thông minh, ông Kruger ạ!
Kruger hiểu rằng y sẽ không bị đẩy ra mặt trận, một hình phạt đáng sợ
nhất. Đáng sợ không phải chỉ vì những viên đạn Nga, – vì đương nhiên là
ngoài đó y sẽ nắm cương vị chỉ huy, – mà chẳng qua chỉ là vì y hiểu rằng
đám sĩ quan quân đội từ lâu vẫn nuôi một mối căm hờn ghê gớm đối với
những kẻ vốn là người của tổ chức tình báo SD. Họ chỉ cố tìm cách đẩy
những cộng sự SD kia ra tòa án của Đảng quốc xã hay tòa án binh – mà đã
đến nước ấy thì đừng có hy vọng vào sự thương xót, quy luật của mặt trận
là quy luật chết người...
Viên thư ký mở cửa không một tiếng động, đặt lên bàn Kaltenbrunner
mấy chiếc cặp giấy mỏng. Kaltenbrunner giở nhanh các cặp đó, hừ một
tiếng ngạc nhiên và nói:
– Cảm ơn. Anh tìm hiểu xem Stierlitz có được tiếp chuyện ở Bộ chỉ
huy hay không, sau khi từ Krakow trở về và nếu có, thì ở nhà ai. Anh cũng