Người hay sao? Chúng ta là chúng ta, chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân, còn
Quốc trưởng nghĩ đến mọi người Đức!
Stierlitz đưa mắt nhìn khắp gian hầm một cách chăm chú. Ở đây
không có một lỗ thông hơi, không thể đặt máy nghe trộm tiếng nói trong
hầm này được. Bởi vậy, sau khi rít một hơi thuốc thật dài, anh nói:
– Thôi đủ rồi, giáo sư ạ... Một thằng điên đẩy hàng triệu người ra hứng
bom đạn, còn chính hắn thì chui vào chỗ an toàn như một con chuột để ngồi
xem chiếu bóng với phe lũ của hắn.
Mặt Pleischner trắng bệch ra, đau đớn và Stierlitz lấy làm tiếc rằng
anh đã nói câu ấy, rằng anh đã tới gặp ông già bất hạnh này để lo việc của
anh.
“Tuy rằng việc này đâu phải là việc của mình? – anh nghĩ. – Đúng ra,
đây là việc của họ, của những người Đức, do đó đây là việc của ông ta chứ.
Mình làm thay họ cái việc mà lẽ ra chính họ phải làm mới đúng.”
– Thế nào, – Stierlitz giục, – giáo sư trả lời đi chứ... Giáo sư không
đồng ý với tôi phải không?
Pleischner vẫn im lặng.
– Thế này nhé, – Stierlitz nói, – người em của giáo sư và bạn của tôi là
một chiến sĩ chống phát-xít... Một cán bộ hoạt động bí mật... Anh ấy đã
giúp tôi. Giáo sư chưa bao giờ quan tâm đến nghề nghiệp của tôi: tôi là đại
tá SS và tôi là người làm công tác tình báo.
Giáo sư vung tay như muốn che mặt đỡ đòn:
– Không, – ông nói. – Không và quyết là không! Em tôi không đời nào
lại có thể làm một tên phá hoại! Không đời nào! – ông nhắc lại to hơn: –
Không! Tôi không tin ngài.
– Anh ấy không phải là một tên phá hoại, – Stierlitz nói, – còn tôi thì
đúng là đang làm công tác tình báo. Nhưng là tình báo Liên Xô...