đích gì, thì Stierlitz cho là việc làm thiếu khôn ngoan trong hoàn cảnh hiện
nay.
Stierlitz nghĩ nhiều đến việc liên lạc với người đằng mình ở Thụy Sĩ –
tất nhiên là nếu Schellenberg cử anh sang đó để tổ chức chiến dịch “che
đỡ” tại chỗ với giám mục Schlag. Nhưng rất có thể là sau khi chuẩn bị toàn
bộ chiến dịch, Stierlitz vẫn phải nằm ở Đức, còn vị giám mục thì sẽ do
những người khác “điều khiển” tại Bern. Cũng có thể như vậy lắm, Stierlitz
vẫn tiếp tục tìm cách gặp Bormann, vì hiểu rằng, nếu được Bormann ủng
hộ, vấn đề anh sang Thụy Sĩ để “đích thân theo dõi cuộc đàm phán” coi
như đã được giải quyết. Tuy nhiên, bất kỳ sự tiếp xúc nào với các công dân
Liên Xô tại Bern cũng sẽ đưa toàn bộ chiến dịch đến thất bại hoàn toàn và
không sao cứu vãn nổi, bởi vì mọi công dân Liên Xô tại đó đều bị tất cả các
cơ quan tình báo của thế giới giám sát chặt chẽ.
Bởi vậy, anh cần đến một người mà anh có thể hoàn toàn tin cậy vào
lòng thành thực của người đó. Anh tin vào sự thành thực của Pleischner.
Anh chỉ không tin vào khả năng chịu đựng của vị giáo sư trong trường hợp
ông bị bắt và bị bọn Gestapo hỏi cung thôi.
Thấy anh đến, Pleischner vui mừng kéo anh vào tầng hầm của mình,
đặt ấm đun cà-phê lên bếp điện và nói:
– Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng, vắng ngài tôi lại buồn đến thế. Tôi
không biết nghề nghiệp của ngài, tôi chỉ biết ngài là bạn của cậu em quá cố
của tôi, nhưng tôi rất thích khi ở bên cạnh ngài, ngài Stierlitz ạ.
– Cảm ơn giáo sư. Tôi còn thích ở bên giáo sư hơn kia. Giáo sư ở chỗ
này có lạnh lắm không?
– Lạnh cứng cả chân tay lại. Nhưng ngài bảo còn biết làm gì được?
Thử hỏi ai là người không bị lạnh lúc này?
– Ở hầm bọc sắt của Quốc trưởng ấm lắm, giáo sư ạ.
– Ồ, cái đó dễ hiểu thôi. Vị lãnh tụ phải sống ở nơi ấm áp chứ chẳng lẽ
có thể so sánh nỗi lo lắng của chúng ta với những nỗi lo lắng, quan tâm của