chuyển sang Paris, Ellada vĩ đại đã tới với những người Jacobin thích tự
do...
Một bận, Pleischner níu anh lại bên các bức tranh tượng vẽ hình nửa
người nửa vật: đầu người, mình lợn lòi hung dữ.
– Ngài thấy thế nào? – Pleischner hỏi.
Stierlitz không trả lời Pleischner mà chỉ ậm à ậm ừ cho qua chuyện, vì
anh thấy im lặng thì không nên, mà trả lời thẳng lại càng không ổn.
Một lần, Stierlitz bảo giáo sư, khi hai người dạo bước trong phòng
Troy cổ đại:
– Các ổ cắm điện trên những bức tường này thật là trơ trẽn. Lẽ ra, ở
đây phải thắp nến hay đèn chùm mới đúng. Như thế này là để cho cái xấu
xa của thế kỷ hai mươi chen vào bi kịch cao cả của thời cổ đại...
Khi đi qua các phòng lớn trống trải của viện bảo tàng “Pergamond”,
Stierlitz thường tự hỏi: “Tại sao những con người sáng tạo ra nền nghệ
thuật vĩ đại này lại đối xử dã man với các thiên tài của mình đến thế nhỉ?
Tại sao họ lại phá hủy, đốt cháy và quẳng xuống đất các tranh tượng? Tại
sao họ lại lạnh lùng và tàn ác đối với tài năng của người nghệ sĩ và nhà nặn
tượng như vậy? Tại sao chúng ta lại thu nhặt những mảnh vụn ngu ngốc, tội
lỗi và dã man của họ còn để lại và đem dạy cho con cái chúng ta hiểu thế
nào là cái đẹp qua những mảnh vụn ấy? Tại sao chính những người cổ đại
lại dại dột trao các thần tượng sinh động của mình vào tay bọn dã man?”
...Sau khi Viện bảo tàng “Pergamond” bị không quân Anh ném bom
hủy diệt, giáo sư Pleischner không đi tản cư với tất cả các cán bộ khoa học.
Ông đề nghị được ở lại Berlin trông nom cái phần tài sản còn lại, dù là ít ỏi,
của Viện bảo tàng.
Lúc này Stierlitz tới gặp giáo sư. Vì mất liên lạc, anh rất khổ tâm, phải
cố tìm lối thoát. Bắt liên lạc qua một người hoạt động mò mẫm, kiểu như
một “hòm thư”, người ấy không rõ mình đang làm gì, làm cho ai và vì mục