– Thưa ngài thống chế, tôi hiểu ạ.
Sau khi báo cáo với Schellenberg ý kiến của mình về việc đưa giám
mục Schlag vượt biên giới, von Stierlitz đi gấp chuyến tàu đêm tốc hành tới
biên giới Thụy Sĩ để “chuẩn bị cửa sổ”. Cũng như Schellenberg, anh cho
rằng việc công khai đưa giám mục vượt qua biên giới có thể gây nên
chuyện ồn ào trái ý muốn. Toàn bộ chiến dịch này được tiến hành bí mật,
không cho bên Gestapo biết. Nếu như bọn Gestapo biết chuyện vượt biên
giới của một người bị nhiều hồ sơ tố giác, một người đã được trả lại tự do
theo chỉ thị riêng của Schellenberg một cách bất hợp pháp, thì có thể đoán
chắc rằng, chúng sẽ để người ấy đi qua biên giới sang Thụy Sĩ, nhưng ngay
từ đầu sẽ bố trí việc theo dõi, mà ý đồ của “chiến dịch che đỡ” đã phác thảo
xong thì không tính đến chuyện đó. Còn việc vạch mặt Schlag sau khi ông
ta làm xong việc của ông ta, thì theo ý đồ của Schellenberg, sẽ phải do
chính Stierlitz tiến hành kia.
Trong những ngày vừa qua, được lệnh của Schellenberg, Stierlitz đã
chuẩn bị cho giám mục “những kẻ đồng mưu dự bị”. Anh cho rằng, bọn
này phải là các quan chức ở Bộ Ngoại giao và ở Bộ tham mưu không quân
của Goering. Tại hai cơ quan ấy, anh đã để ý đến những kẻ cúc cung tận tụy
phục vụ chế độ quốc xã, những kẻ mà anh biết đúng là người của Gestapo.
Schellenberg đặc biệt thích thú về việc tất cả những kẻ ấy đều do bọn
Gestapo tuyển mộ.
– Hay lắm, – y nói, – cái đó có rất nhiều triển vọng.
Stierlitz nhìn y dò hỏi.
– Nghĩa là, – Schellenberg giải thích, – bằng cách đó, ở phương Tây
chúng ta sẽ tố giác tất cả những kẻ nào tìm cách đàm phán hòa bình mà lờ
chúng ta đi. Chẳng là ở bên ấy người ta phân biệt rất rành rọt tổ chức
Gestapo với cơ quan tình báo của chúng ta.
“Điều ấy mình không nghĩ đến, – Stierlitz thú nhận với chính mình. –
Hắn cừ thật, hắn hiểu rõ công việc và biết nhìn xa trông rộng. Cảm ơn mi,